Xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 70,88 tỷ USD: Vẫn dựa vào lao động rẻ, gia công thấp

10/07/2014 08:53 AM


Tin từ Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu hàng hoá trong 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tăng trưởng, xuất khẩu đạt 70,88 tỷ USD, bằng 48,7% kế hoạch năm. Xuất siêu cả nước ước 1,32 tỷ USD, góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.


Theo đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng khá. Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 13,6% so với cùng kỳ với nhiều mặt hàng có mức tăng cao như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả. Xuất khẩu sang thị trường khu vực truyền thống tiếp tục giữ vững. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá. Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu được kiểm soát tốt. Đáng chú ý, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng trưởng, tháng 5 tăng 30,1% và tháng 6 tăng 11,4%. Tuy nhiên, hạn chế trong hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua được ghi nhận là: giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất...

Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng thấp hơn khối doanh nghiệp FDI, điều này cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhẹ, tính riêng tháng 5 và tháng 6 năm 2014, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc giảm nhẹ, chủ yếu giảm ở mặt hàng nông sản. Nguyên nhân của hạn chế là do kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, làm giảm kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Xu hướng bảo hộ mậu dịch tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ và EU đã gây nhiều khó khăn cản trở hàng Việt Nam vào các thị trường này. Giá và lượng xuất khẩu của một số hàng hoá giảm. Mặt khác, sự kiện Biển Đông cũng đã tác động đến xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc, xuất khẩu những mặt hàng nông sản như: rau quả, gạo, cao su... giảm nhẹ.

Nhập khẩu và xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đều tăng thấp hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn và sự sẵn có về thị trường tiêu thụ nên tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đều ở mức cao. Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Phát triển xuất khẩu một cách bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục nâng cao tỷ trọng hàng chế biến, chế tác và có hàm lượng công nghệ cao trong cơ cấu xuất khẩu. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo các cam kết quốc tế. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân và có các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao. Kiểm soát nhập siêu có hiệu quả, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu...

Cuộc điều tra được Tổng cục Thống kê tiến hành trên 7.675 DN đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 237 DN Nhà nước, 6.812 DN ngoài Nhà nước và 626 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả cho thấy, 5,6% số DN cho biết sẽ tạm ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi tỷ lệ này cùng thời điểm năm trước là 8,4%. Về lao động, 51,5% số DN dự kiến giữ nguyên quy mô lao động như năm 2013; 38,5% số DN dự kiến tăng quy mô và chỉ có 10% dự kiến giảm quy mô. Trong khi đó, số liệu tương ứng của năm 2013 lần lượt là 44,8%; 29,7% và 25,5%. Về sử dụng vốn, có 60,8% số DN dự kiến năm 2014 vẫn giữ nguyên quy mô vốn như năm 2013; có 33% doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô và chỉ có 6,2% doanh nghiệp dự kiến giảm. Số liệu tương ứng của năm 2013 lần lượt là 55,3%; 30,8% và 13,9%.

Tỷ lệ doanh thu năm 2014 được thể hiện qua kết quả điều tra là: 71,6% DN cho biết sẽ đạt mức cao hơn so với năm 2013; chỉ có 14,7% DN dự kiến giữ nguyên tỷ lệ và 13,7% DN dự kiến giảm. Số liệu tương ứng của năm 2013 lần lượt là 54,1%; 9% và 36,9%. Dự kiến về lợi nhuận trước thuế, có 75,1% số DN cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2014 cao hơn năm 2013, chỉ có 5,8% số DN dự kiến bằng năm 2013 và 19,1% DN dự kiến giảm. Trong khi đó, số liệu tương ứng của năm 2013 lần lượt là 46,4%; 10,9% và 42,7%. Nhìn chung, các DN đã tin tưởng hơn vào môi trường, triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ DN lạc quan về thị trường trong nước vẫn chưa cao, chỉ với 34,8%, vẫn còn 16,2% số DN cho rằng thị trường trong nước năm 2014 kém hơn năm 2013 và hơn 50% DN không vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo HNMO, VN Economy