Người dân vẫn có xu hướng đổ về tuyến cuối để khám, chữa bệnh

10/07/2014 08:47 AM


Bất chấp những nỗ lực của ngành Y tế, người dân từ các tỉnh thành vẫn đổ về tuyến cuối khám, chữa bệnh vì không an tâm với chất lượng y tế cơ sở.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)

Sáng 07/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi thị sát về tình hình quá tải ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược đóng trên địa bàn TPHCM. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân "rồng rắn" xếp hàng chật kín khu vực khám bệnh. Ông Nguyễn Văn Hoàng (53 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) cho biết: "Tôi bị bệnh gan, đã khám và điều trị nhiều tháng ở bệnh viện địa phương nhưng bệnh tình không thuyên giảm, bất đắc dĩ mới phải khăn gói lên đây để kiểm tra. Tôi đến đây từ 5 giờ sáng nhưng đến giờ (8 giờ 10 - PV) vẫn chưa đến lượt khám. Chẳng biết ở tỉnh Đắk Lắk trình độ chuyên môn của các bác sĩ thế nào mà bệnh của tôi họ không trị được".

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện đang phải khám cho khoảng 4.000 bệnh nhân, điều trị nội trú cho gần 2.500 ca bệnh. Y bác sĩ tại 93 bàn khám bệnh đã hoạt động hết công suất nhưng không thể đáp ứng kịp vì số lượng bệnh nhân quá đông, thời gian chờ đợi trung bình để đến lượt khám của người bệnh là 222 phút (3,7 giờ), thời gian cho cả quy trình khám bệnh khoảng 10 phút. Tại các khoa điều trị của Bệnh viện Chợ Rẫy, với những nỗ lực kê thêm giường, thêm băng ca tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép đã giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng quá tải cả khâu khám bệnh lẫn điều trị nội trú, bệnh viện Chợ Rẫy đang kiến nghị Bộ Y tế cho phép xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trong khuôn viên hiện có của bệnh viện để tăng bàn khám bệnh và tăng giường bệnh.

Tình trạng "khủng khiếp" hơn đang diễn ra ở Bệnh viện Đại học Y Dược, khi mỗi ngày tại đây tiếp nhận tới gần 5.000 bệnh nhân đến khám. Phần lớn bệnh nhân đều "vượt tuyến" từ các tỉnh thuộc khu vực miền Tây và Đông Nam Bộ. PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc cho biết, với 68 bàn khám, để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, chúng tôi phải tổ chức tiếp nhận bệnh nhân, làm thủ tục từ 4 giờ sáng. Y bác sĩ phải tăng giờ làm việc trong ngày và trong tuần "từ quân đến tướng đều đuối sức". Để giảm thủ tục giấy tờ, giảm phiền hà cho người bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược đã phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, bệnh án điện tử, sử dụng thẻ khám bệnh có mã vạch, tăng cường đội ngũ điều dưỡng, thư ký y khoa để hỗ trợ bác sĩ trong khám, chữa bệnh. Tình trạng nằm hành lang, nằm ghép của bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Đại học Y Dược không xảy ra, nhưng quá tải đang mỗi ngày một thêm trầm trọng tại khu khám bệnh.

Cũng như bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược đang kiến nghị xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trong khuôn viên bệnh viện để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt NamNguyễn Đình Khương cho rằng, giải pháp tăng thêm giường bệnh cho các bệnh viện hiện đang quá tải chỉ là phương án tạm thời. Bệnh nhân vượt tuyến đang gây ra những lãng phí chi phí cho người bệnh và chi phí xã hội. Muốn giải quyết được quá tải cần có chiến lược để giữ chân người bệnh ở tuyến dưới. Trước tình hình trên, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, xây dựng bệnh viện vệ tinh ở tuyến cơ sở và tiếp tục triển khai đề án 1816, luân phiên cán bộ y tế là những giải pháp mang tính bền vững để tạo dựng lòng tin vào chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân tuyến tỉnh. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu bệnh viện Đại học Y Dược chưa tham gia vào đề án bệnh viện vệ tinh cần sớm trình kế hoạch để xây dựng bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đề nghị các bệnh viện tuyến cuối thời gian tới cần nghiêm túc cử cán bộ về tuyến cơ sở luân phiên công tác. Người đi công tác sẽ được hưởng chế độ đặc biệt. Thời gian công tác của một cá nhân không kéo dài liên tục trong vòng 3 tháng như trước đây mà chỉ diễn ra trong vài ngày, nhưng người đi công tác phải đông hơn về số lượng và giỏi về năng lực chuyên môn; đảm bảo tuyến y tế cơ sở liên tục có bác sĩ của bệnh viện tuyến cuối đến khám, chữa bệnh cho dân.

Hà Nội: Quá tải, rối loạn ở các điểm tiêm chủng

Vắc xin 5 trong 1 đã có mặt tại các điểm tiêm chủng dịch vụ sau nhiều ngày hết hàng. Một lượng lớn phụ huynh ùn ùn đưa con đi tiêm đã khiến các điểm tiêm chủng này quá tải trầm trọng. Cách thức tổ chức tiêm chủng không khoa học cũng khiến tình hình trở nên hỗn loạn. Trước của phòng tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Lò Đúc, Hà Nội), ngay từ 6 giờ sáng đã chật cứng người. Tất cả đều bu lại, tập trung cạnh nhân viên phát tờ đăng kí tiêm chủng. Không xếp hàng theo thứ tự để đăng kí, những người dân đều chen nhau len vào giữa đám đông với mong muốn con mình có một "suất" tiêm vắc xin. Nhiều người đợi cả tiếng đồng hồ cuối cùng đành chưng hửng ra về! "Sắp hết số rồi, mỗi ngày chỉ có 200 số đăng kí, còn lại phải để sang ngày mai" - nhân viên của trung tâm thông báo. Thông tin này khiến đám đông nhao nhao, chen chúc mạnh hơn vì sợ tới lượt mình thì hết số. Một phụ nữ hồ hởi ra khỏi đám đông và nói với chồng đang ôm con đứng ngoài: "Đăng kí được rồi, con mình số 180".

Mới chưa tới 7 giờ sáng nhưng con số đăng kí đã tới 189. 11 số còn lại hết veo trong vài phút. Nhiều người tới sau chạy vào thì chưng hửng. "Lại không được, mất việc quá, không hiểu phải làm thế nào" - một ông bố thốt lên, không giấu được vẻ bực dọc thất vọng. Gọi tên một cháu nhưng rất nhiều giơ tay nhận là con mình. Sau khi danh sách đăng kí tiêm kín đặc 4 mặt giấy A4, đúng 7h15 sáng, một cán bộ khác của phòng tiêm chủng bắt đầu thông báo về việc gọi tên từng cháu trong danh sách rồi phát số đăng kí. Lại một lần nữa đám đông nhao lên vì không nghe được tên con mình giữa phố đông ồn ào, lại vào giờ cao điểm.Nhiều tiếng la ó vang lên, người này gắt người kia trật tự khiến tình hình càng thêm rối. Người dân thắc mắc sao điểm tiêm chủng không trang bị loa phát thanh để nghe cho rõ hoặc thay đổi cách đăng kí tiêm sao cho khoa học để người dân đỡ khổ? Còn tại Trung tâm y tế dự phòng (70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), tình trạng quá tải cũng xảy ra tại phòng đăng kí (P106) của TT này. rất nhiều phụ huynh đã phải kiên nhẫn đứng xếp hàng lấy số thứ tự.

Theo DTO, VNN