Đẩy mạnh xuất khẩu lao động chất lượng cao

08/07/2014 09:14 AM


Trung tuần tháng 6, 138 điều dưỡng Việt Nam đã chính thức được xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản. Con số này còn khá khiêm tốn song đã mở ra nhiều triển vọng để Việt Nam hướng tới xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao.


Các hộ lý, điều dưỡng Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản làm việc

Tại lễ xuất cảnh, em Đàm Thị Lương ở Thường Tín, Hà Nội hào hứng cho biết, vừa học xong trường Cao đẳng y tế Hà Nội, mặc dù đã xin vào làm việc tại một phòng khám, nhưng khi biết thông tin, em được cả nhà động viên tham gia và may mắn trúng tuyển. Lương tâm sự: "Sang Nhật Bản, em sẽ được nhận làm việc tại cơ sở chăm sóc người già Hitsu Kojien tại tỉnh Chibaken. Đây là chương trình có nhiều ưu đãi lớn, môi trường học tập trung. Đặc biệt cách đào tạo của các thầy cô giáo người Nhật rất tốt, giúp em phản ứng nhanh với ngôn ngữ và hoàn thành tốt yêu cầu khóa học đặt ra, thực hiện được ước mơ đến Nhật Bản làm việc”.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, 138 ứng viên này sang Nhật Bản vừa học, vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi Chứng chỉ quốc gia mỗi năm một lần; ứng viên hộ lý được dự thi chứng chỉ quốc gia một lần vào năm thứ 4, sau khi đã làm công việc hộ lý trên 3 năm tại Nhật Bản. Nếu đỗ, các ứng viên này sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn. Các ứng viên không thi đỗ chứng chỉ trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản được phép quay lại Nhật Bản để dự thi mà không phải đáp ứng các điều kiện mới (chỉ dự thi, không được làm việc cho đến khi thi đỗ và có được chứng chỉ).

Báo cáo của Bộ LĐTB & XH cho thấy riêng trong tháng 5 năm 2014 đã đưa được  11.099 lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số LĐ  Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 5 tháng đầu năm này lên 45.458 LĐ. Đây là con số đáng mừng, nhất là trong năm 2014 cả nước vẫn còn hàng nghìn DN phá sản, hàng trăm nghìn LĐ bị thất nghiệp. Tuy nhiên trong số 45.458 LĐ đi làm việc ở nước ngoài thì chiếm số đông vẫn là thị trường Đài Loan (LĐ phổ thông, giúp việc gia đình).

Hiệu quả của việc đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài rất lớn, nó không chỉ giúp người LĐ có thu nhập mà còn tạo cơ hội để đất nước có nguồn LĐ có tay nghề sau khi NLĐ về nước. Tuy nhiên, nếu cứ chạy theo số lượng và chỉ giới hạn ở những thị trường truyền thống như hiện nay thì hoạt động XKLĐ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn. Bởi theo Quỹ  tiền tệ quốc tế (IMF), thị trường lao động thế giới hiện nay đã tăng gấp 4 lần so với năm 1980 và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào 2050. Ở các nước phát triển, giới phân tích thị trường việc làm cho rằng, LĐ chân tay sẽ không còn lợi thế, rơi vào thất nghiệp thay vào đó là nhu cầu lao động có tay nghề, có kỹ thuật cao.

Thực tiễn xuất khẩu nguồn nhân lực có chất lượng là vấn đề  được nhắc đến từ lâu và đây cũng là mục tiêu mà Bộ LĐTB&XH đang hướng tới. Trong năm 2014, theo đánh giá của Bộ, cánh cửa tiếp nhận LĐ có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Cụ thể, chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi, tạo nên hi vọng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề điều dưỡng, hộ lý tại các nước phát triển.

Theo Báo Đại đoàn kết