Hàng trăm nghìn trí thức tại Mỹ phải sống nhờ trợ cấp

16/01/2013 09:38 AM


Một trang mạng chuyên cung cấp thông tin về tình hình công ăn việc làm của sinh viên công bố báo cáo cập nhật cho biết, một phần do hậu quả của cuộc đại khủng hoảng 2007-2009, số người có bằng thạc sỹ và tiến sỹ ở Mỹ phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội có chiều hướng gia tăng khá mạnh.


Những người thất nghiệp xếp hàng để nhận trợ cấp tại Mỹ

Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2010, số người Mỹ có bằng thạc sỹ và tiến sỹ phải nộp đơn xin hưởng chế độ tem phiếu lương thực, trợ cấp thất nghiệp và các hỗ trợ khác của quỹ phúc lợi xã hội đã tăng gấp hơn 3 lần. Theo số liệu đến tháng 3/2011, trong số hơn 22 triệu người Mỹ có bằng thạc sỹ và cao hơn, có khoảng 360.000 người phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội dưới hình thức này hoặc hình thức khác.

Cụ thể, số người có bằng thạc sỹ phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội ở thời điểm năm 2010 là hơn 293.000 người, tăng mạnh so với con số 102.000 người ở thời điểm năm 2007. Số người có bằng tiến sỹ phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội tăng từ 9.800 người năm 2007 lên 34.000 người năm 2010. Theo thống kê, trong năm 2011 cả nước Mỹ có khoảng 52,5 triệu người, tương đương với tỷ lệ 1 trong 6, nhận trợ cấp tem phiếu lương thực.

Một lý do làm tăng tỷ lệ người có bằng thạc sỹ và tiến sỹ phải sống dựa vào trợ cấp xã hội là do tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong vài năm qua luôn ở mức từ 8% đến 9%, đến cuối năm 2012 mới giảm xuống mức 7,8%. Không chỉ các thạc sỹ và tiến sỹ phải sống nhờ trợ cấp mà ngay cả các triệu phú ở Mỹ cũng có nhiều người rơi vào cảnh ngộ này. Theo con số của Cơ quan dịch vụ thuế nội địa, trong năm 2009, cả nước Mỹ có 2.362 triệu phú nhận trợ cấp thất nghiệp tổng cộng hơn 20 triệu USD.

Áp lực của tình trạng không có việc làm khiến nguy cơ đau tim của người Mỹ tăng đáng kể. Tiến sĩ Linda George, một nhà khoa học của Đại học Duke tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp theo dõi 13.451 người trong 20 năm để tìm hiểu tác động của tình trạng thất nghiệp đối với nguy cơ đau tim. Trong 20 năm, hơn 1.000 người đã hứng chịu cơn đau tim. Khi phân tích dữ liệu của hơn 1.000 người này, nhóm nghiên cứu phát hiện một số xu hướng. Chẳng hạn, những người hút thuốc lá, thừa cân, lớn tuổi và lười vận động có nguy cơ đau tim lớn hơn những người khác.

Song mối liên hệ giữa tình trạng thất nghiệp và nguy cơ đau tim mới là yếu tố khiến nhóm nghiên cứu chú ý. Họ nhận thấy nguy cơ đau tim tăng thêm 27% ở những người mới mất việc và tới 63% ở những người từng mất việc từ 4 lần trở lên. "Đó là những tỷ lệ khá lớn. Chúng cho thấy áp lực của tình trạng thất nghiệp khiến nguy cơ đau tim tăng mạnh. Dường như thất nghiệp đáng sợ hơn một công việc căng thẳng", George bình luận.

Theo ĐVO