Nửa đầu năm 2013: 722.000 lao động tìm được việc làm

19/06/2013 01:59 AM


Những tháng đầu năm, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 602 nghìn lao động, ước 6 tháng, 722 nghìn lao động sẽ có việc làm (đạt 45,1% chỉ tiêu kế hoạch năm 2013).


Theo Cục Việc làm, Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã được triển khai khá hiệu quả. Dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ 50 nghìn lao động tìm được việc. 6 tháng đầu năm, 300 phiên giao dịch việc làm đã  được tổ chức tăng khoảng 1,2 lần so với cùng kỳ  năm 2012. Bình quân 1 phiên thu hút từ 30 - 40 doanh nghiệp và khoảng 700 lao động tham gia. Bên cạnh những vấn đề tạo việc làm, dạy nghề, Bộ cũng thông tin về công tác an toàn vệ sinh lao động. Tính đến hết tháng 5, cả nước đã xảy ra 161 vụ tai nạn lao động khiến 176 người chết. Trong đó, có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng như vụ sập giàn giáo tại công trình Cầu Sông Tranh (Ninh Giang, Hải Dương) đã làm 3 người chết; sập giàn giáo ở nhà thờ Ngọc Lâm (Thái Nguyên) làm 3 người chết và 61 người bị thương; sạt lở mỏ đá ở Lèn Rỏi (Tân Kỳ, Nghệ An) làm 2 người chết…

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động được xác định là do công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động còn hạn chế; hệ thống pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Phần lớn người lao động còn thiếu kiến thức và kỹ năng an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lao động chưa đầy đủ, hiệu quả, việc xử lý nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chưa kiên quyết, triệt để, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm..

Trong 6 tháng cuối năm 2013, để khắc phục những hạn chế nói trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ hoàn thiện 8 thông tư hướng dẫn về an toàn vệ sinh lao động, hoàn thành 7 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động. Các thông tư sẽ quy định lại về khai báo, điều tra, thống kê tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng; mức bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quy định danh mục công việc, nơi làm việc không được sử dụng lao động chưa thành niên; danh mục công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ, nuôi con của lao động nữ.

Trong khi đó, theo thống kê của MyWork, tháng 5 tiếp tục cảnh báo tình trạng bất ổn định cung cầu nhân lực tại một số các ngành nghề phổ biến hiện nay. Ngành kế toán và hành chính văn phòng là 2 lĩnh vực có độ chênh lệch lớn nhất, tỷ lệ nguồn cung gấp đôi nguồn cầu. Có thể lý giải khi một trong các ngành này yêu cầu về mức độ kinh nghiệm nhất định, các sinh viên mới ra trường khó có cơ hội tiếp cận và được làm việc dẫn đến tình trạng doanh nghiệp luôn thiếu người nhưng ứng viên vẫn không thể tìm được việc. Ngoài ra, việc đào tạo ồ ạt các ngành nghề không có nhu cầu xã hội cao trong thời gian dài và hệ lụy là tình trạng thừa nhân lực. Nhân lực các ngành này đành tìm kiếm các công việc mang tính chất cơ bản, chung chung như văn phòng, trợ lý, nhân sự, dịch vụ... dẫn đến tỷ lệ hồ sơ nhóm ngành này tăng cao. Tâm lý thích ổn định, lương cao, ít vất vả cũng là một nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hồ sơ các ngành này ngày càng nhiều bởi tính chất công việc ngồi văn phòng, ít di chuyển, ít áp lực.

Trong khi một số các nhóm ngành thừa nhân lực thì một số các nhóm ngành khác lại đang ngày càng thiếu nhân lực trầm trọng. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến ngành lao động phổ thông, làm thêm, công nghệ thông tin. Đây là thời gian sinh viên ra trường và bắt đầu tìm việc. Tâm lý định hướng tìm kiếm công việc toàn thời gian, ổn định dẫn đến các công việc có tính chất tạm thời, làm ca, làm bán thời gian bị bỏ ngỏ. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, trình độ thấp tại các KCN, KCX rất nhiều và thường xuyên tuy nhiên vẫn rất khó tiếp cận với người lao động thuộc lớp này. Tâm lý học cao không thể làm công nhân, thực tế "thừa thầy thiếu thợ" dẫn đến tình trạng bất hợp lý cung cầu trở nên báo động. Lĩnh vực CNTT đang có xu hướng phát triển khá mạnh mẽ trong những năm gần đây, ngành này vẫn hứa hẹn là một trong các ngành "hot" trong thị trường việc làm thời gian tới tuy nhiên nhân lực ngành này chưa đáp ứng được khi việc đào tạo hiện nay còn thiếu tính chuyên sâu, không tập trung.

Đối với các sinh viên mới ra trường, khi chưa thể tìm kiếm được luôn 1 công việc đúng chuyên ngành đào tạo hãy lập một kế hoạch có lộ trình rõ ràng để việc tìm kiếm trở nên có hiệu quả. Trước mắt, bạn nên tìm kiếm công việc làm thêm để hạn chế quỹ thời gian đang thừa, cũng như nhân cơ hội này để mở rộng thêm mối quan hệ xã hội, học hỏi thêm kinh nghiệm và chuẩn bị hồ sơ, trang bị kiến thức thực tế làm nền tảng tìm kiếm công việc đúng với mong muốn. Đây là cách giải quyết tốt để có thể giảm bớt sự chênh lệch cung cầu giữa các ngành đồng thời giúp cho chính các bạn có môi trường trao dồi kỹ năng chưa được tiếp cận trên ghế nhà trường. Dự báo các ngành nghề hot và có nhu cầu cao trong thời gian tới là lao động phổ thông, làm bán thời gian, dịch vụ, marketing - PR, cơ khí - chế tạo, IT phần cứng, IT phần mềm, kinh doanh bất động sản.

Theo Infonet