Lãng phí như… bệnh viện ngành!

18/04/2014 09:51 AM


Hầu hết các bệnh viện ngành hoạt động theo cơ chế bao cấp, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong ngành. Trên thực tế, các bệnh viện ngành tại TPHCM đang hoạt động không hết công suất, gây lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Không sử dụng hết 50% công suất.


Cảnh vắng lặng tại Bệnh viện Bưu điện TPHCM. Ảnh: Hoàng Nhung

Không sử dụng hết 50% công suất

8 giờ sáng ngày 25-3-2014, Bệnh viện Giao thông Vận tải TPHCM hầu như chỉ có y bác sĩ. Cả buổi, người đến khám bệnh không đếm hết đầu ngón tay. Ông Trần Văn Thủy, ngụ tại Gò Vấp, làm nghề sửa chữa ô tô tại cảng Xi măng Hà Tiên mắc bệnh đau cột sống đã nằm điều trị ở bệnh viện này hai tháng cho biết, xung quanh ông không có bệnh nhân nào. Vì buồn nên mỗi ngày ông phải xuống cổng bệnh viện ba, bốn lần, lúc thì mua đồ ăn, lúc thì kiếm người để nói chuyện. “Tôi đi Bệnh viện Chợ Rẫy, người người chen chúc nhau khám chữa bệnh đến ngộp thở, hành lang còn không có chỗ nằm. Về Bệnh viện Giao thông Vận tải điều trị thoáng mát, yên tĩnh, ít người lắm. Một ngày có khoảng 7-8 người nằm viện, có ngày chỉ có mình tôi”, ông tâm sự.

Ngoài cơ sở chính tại đường Trần Quốc Toản, quận 3, Bệnh viện Giao thông Vận tải mới xây dựng cơ sở khám bệnh tại số 136 Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3 với diện tích 300 mét vuông khang trang, bề thế gồm bốn tầng lầu, nhưng cả buổi sáng chỉ có hơn 10 bệnh nhân đến khám. Đa số những người đến đây để khám sức khỏe, lấy giấy chứng nhận về nộp cho cơ quan để lái xe, lái tàu.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đỗ Công Hân, Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải, cho biết bệnh viện này tiền thân là của ngành đường sắt với 60 năm hoạt động phục vụ khám chữa bệnh cho lao động trong ngành và người dân địa phương trong khu vực. Bệnh viện có 20 bác sĩ, 80 giường bệnh, diện tích cả hai cơ sở hơn 1.300 mét vuông, với tương đối đầy đủ trang thiết bị máy móc, chỉ trừ máy MRI, CT. Mỗi năm Nhà nước rót kinh phí gần 4 tỉ đồng. Mỗi tháng bệnh viện khám khoảng 300-400 bệnh nhân (trong khi Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám ít nhất 4.000 lượt bệnh/ngày - PV).

Đi thực tế tại những bệnh viện ngành khác như Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện 30/4, Phòng khám Cao su (tiền thân là trung tâm khám chữa bệnh ngành cao su), Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, Bệnh viện 7A… đều thấy những nơi này hoạt động không hết công suất, bệnh nhân nằm không hết 50% số giường, nhiều phòng bệnh bỏ không, hầu như không sử dụng đến. Số bệnh nhân trong ngành đến khám chữa bệnh chỉ có vài người, bởi người trong ngành cũng mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ nên họ đều đăng ký khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn, bệnh viện tư của thành phố và trung ương. Như Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm người làm ngành giao thông vận tải, ngành dầu khí với các loại bảo hiểm Bảo Việt, dầu khí, bảo hiểm y tế…

Nhiều bệnh viện có quỹ đất rộng, môi trường xung quanh lý tưởng nhưng không có tiền để nâng cấp, cải tạo, xây mới, như Bệnh viện Quân dân y miền Đông nằm trên đường Lê Văn Việt, quận 9. Bệnh viện có diện tích 42.000 mét vuông, cây xanh bóng mát nhưng chỉ sử dụng 6.000 mét vuông, các phòng khám đều là nhà cấp bốn xập xệ, xuống cấp. Bệnh nhân hầu hết khám xong xin chuyển viện. Tương tự là hệ thống các bệnh viện, phòng khám ngành cao su. Mỗi năm Nhà nước rót kinh phí chi thường xuyên cho toàn hệ thống khoảng trên 50 tỉ đồng. Trung tâm Y tế Cao su nay đổi thành Phòng khám đa khoa Cao su tại số 229 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận có 30 giường bệnh nhưng không ai nằm, cả ngày chỉ vài bệnh nhân đến khám.

Nơi muốn cổ phần hóa, nơi không

Trước tình trạng bệnh viện ngành sử dụng không hết công suất, lãng phí tài nguyên, nhân lực, ngày 17-2 vừa qua Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chỉ đạo từ nay đến năm 2015 phải hoàn thành cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương I. Ngoài ra, ông Thăng cũng kiên quyết cổ phần hóa 10 bệnh viện do Cục Y tế Giao thông vận tải quản lý trực tiếp, nhằm thu hút vốn của xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Đồng tình với quyết định của Bộ trưởng Thăng, Đại tá BS. Lương Văn Một, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y miền Đông, khẳng định nếu Nhà nước cho cổ phần hóa bệnh viện này, ông sẽ giơ tay thực hiện đầu tiên để thu hút đầu tư của tư nhân trong nước và nước ngoài phục vụ nhiều đối tượng hơn. Hiện nay, Bệnh viện Quân dân y miền Đông rất muốn đầu tư thêm máy móc, nâng cấp, sửa chữa và xây thêm khu khám, điều trị nhưng không có kinh phí. Tuy nhiên, ông Một cho rằng, khi cổ phần hóa thì Nhà nước vẫn phải chiếm phần ưu thế chứ không nên cổ phần hóa 100%. Ông đề xuất nếu thực hiện cổ phần hóa thì nên làm thử một, hai bệnh viện xem có hiệu quả không rồi sau đó mới cổ phần hóa tiếp, và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng phải ủng hộ cho chính sách này.

Ông Đỗ Công Hân, Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải, cho rằng cổ phần hóa là xu hướng nhưng không thể xã hội hóa được công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong ngành, từ việc chăm sóc sức khỏe lúc bắt đầu vào làm việc đến lúc nghỉ hưu, khám bệnh nghề nghiệp, rà soát môi trường lao động… Do đó, nếu Nhà nước cổ phần hóa bệnh viện, khám chữa bệnh theo cơ chế thị trường, thì vẫn phải duy trì được bộ phận chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Hai bộ phận này phải phối hợp hài hòa với nhau để cùng phát triển. Nếu để cho tư nhân cạnh tranh hẳn với công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động thì sẽ mất đi tính chất đặc thù của bệnh viện ngành.

Riêng trường hợp ngành cao su, BS. Lê Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Y tế Cao su, khẳng định Nhà nước không cổ phần hóa bệnh viện mà cổ phần hóa các công ty, trong đó có bệnh viện. “Nhà nước chỉ cổ phần một số công ty của tập đoàn mà thôi. Phòng khám số 229, Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận là đơn vị độc lập có con dấu, khi nào cả tập đoàn Cao su cổ phần hóa thì phòng khám này mới phải cổ phần hóa.

Lúc đó, ban giám đốc phòng khám sẽ chuyển đổi mô hình khám chữa bệnh cho phù hợp với tính chất mới”, ông Chính nói. Tuy nhiên, theo ông Chính, Nhà nước không nên cổ phần hay xóa xổ ngành y tế cao su vì ngành này phục vụ cho công tác chính trị, an ninh và biên giới vùng sâu, vùng xa.

Nhiều nhà lãnh đạo ngành y tế và các trung tâm nghiên cứu phát triển xã hội đồng tình với việc cổ phần hóa các bệnh viện ngành để đầu tư, phát triển, phục vụ người dân vì hiện nay các bệnh viện ngành không còn vai trò, ý nghĩa giống như thời bao cấp nữa.

Theo Thời báo kinh tế Sài gòn