Triển khai Nghị định về người giúp việc: Còn nhiều băn khoăn

26/05/2014 09:38 AM


Nghị định 27 về quản lý lao động giúp việc gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5 nhưng cho đến nay cả người lao động và gia chủ đều còn có nhiều băn khoăn...


Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển, Nghị định 27 là bước ngoặt lớn nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như công nhận người giúp việc là một nghề. Tuy nhiên, người lao động và người sử dụng lao động hiện này còn nhiều điều băn khoăn về việc thực hiện Nghị định.

Đóng bảo hiểm: Trừ vào lương hay tăng thêm lương?

Băn khoăn về việc đóng BHXH cho người giúp việc, chị Thúy Hằng (khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay gia đình tôi đang trả cho cô giúp việc 3,2 triệu đồng/tháng, ăn ở tại nhà. Số tiền này cô giúp việc thường không lấy ngay mà nhờ tôi giữ, khi nào về quê mới lấy cả mười mấy triệu. Nhưng theo quy định mới nếu đóng thêm bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì tôi sẽ phải trả thêm khoảng 800.000 đồng/ tháng. Tôi không biết cô giúp việc sử dụng số tiền này như thế nào có mua bảo hiểm không hay dùng vào mục đích khác. Tôi nghĩ luật phải quy định rõ hơn về vấn đề này, cần quy định rõ gia đình sẽ mua bảo hiểm cho cô giúp việc hoặc có sự cam kết về khoản tiền này”.

Anh Trương (quận Long Biên, TP Hà Nội) cũng giật mình khi nghe đến việc phải ký hợp đồng lao động với người giúp việc và đóng bảo hiểm cho họ. Theo anh Trương, từ trước đến nay gia đình anh toàn nhờ người quen dưới quê lên làm việc. Mức lương cũng theo kiểu “vừa làm vừa cho” nên dao động từ 4 triệu-5 triệu đồng/tháng chưa kể các khoản ăn uống, sinh hoạt phí khác.

“Công việc của gia đình tôi cũng không có gì nặng nhọc, so với khối lượng công việc hiện nay người giúp việc đang làm thì mức lương này là cao nên tôi sẽ không bỏ ra thêm một khoản nữa để đóng bảo hiểm. Nếu luật bắt buộc phải đóng bảo hiểm thì tôi sẽ trừ vào lương”, anh Trương khẳng định.

Làm gì khi nghỉ 24 giờ/tuần?

Cũng theo quy định của Nghị định mới, mỗi tuần, người giúp việc được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp không thể bố trí được thì gia chủ phải có trách nhiệm bảo đảm cho người giúp việc được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Đồng thời, người giúp việc có đủ 12 tháng làm việc cho một gia chủ thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương.

Chị Mai hiện đang giúp việc tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội hồ hởi cho biết, việc quy định ngày nghỉ trong Nghị định khiến cho chị “dễ thở” hơn rất nhiều. “Gia đình chủ nhà tuy không quá khắt khe nhưng mỗi lần tôi xin nghỉ về quê khoảng 5 ngày thì họ vẫn tỏ vẻ khó chịu, miễn cưỡng. Bây giờ có quy định rõ ràng rồi cứ thế làm thì họ sẽ không trách móc tôi được nữa”.

Khác với chị Mai, chị Đông (42 tuổi, đang giúp việc tại quận Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng nếu xin nghỉ quá lâu, từ 5 ngày trở lên, sẽ rất dễ mất việc vì đây là công việc thường xuyên, gia chủ không thể không có người thay thế. “Nếu tôi không nghỉ thì có được hưởng thêm lương không hay bắt buộc phải nghỉ?”, chị Đông băn khoăn.

Chị Thúy Hằng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề ngày nghỉ của người giúp việc: “Nếu bắt buộc phải cho người giúp việc nghỉ 24 giờ liên tục mỗi tuần thì họ sẽ làm gì trong ngày nghỉ trong khi không về quê hoặc không có bạn bè, người thân để đi thăm? Và trong ngày nghỉ chủ nhà sẽ làm việc còn người giúp việc ngồi chơi? Còn gộp ngày nghỉ thì gia đình tôi biết xoay sở ra sao khi thiếu người giúp việc cả chục ngày".

Còn anh Trương lại cho rằng ngày nghỉ của người giúp việc nên đưa vào thỏa thuận giữa hai bên chứ không nên gò vào luật bởi người giúp việc đã có dịp nghỉ dài vào Tết mà vẫn nhận nguyên lương và thưởng.

Theo Chinhphu.vn