Xóa bỏ lao động trẻ em - một việc làm cấp bách

14/06/2013 02:03 AM


Tương lai của thế giới phụ thuộc vào trẻ em. Thế nhưng, cuộc sống của trẻ em hiện nay đang khiến người ta phải lo ngại. Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp bao gồm cả hỗ trợ tài chính, ngăn chặn hiện tượng bóc lột, cưỡng bức lao động trẻ em, nhưng tình trạng sử dụng lao động trẻ em toàn cầu không có dấu hiệu giảm bớt.


Nhiều hình thức bóc lột trẻ em

Số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, hiện có hơn 250 triệu trẻ em đang phải lao động kiếm sống trên toàn cầu. Ước tính hằng năm có hàng triệu trẻ vị thành niên trên khắp thế giới bị bắt buộc làm những công việc nặng nhọc, mại dâm hoặc những hành vi bất hợp pháp khác. Tình trạng lao động trẻ em trái phép đang tăng nhanh.

Ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, phần lớn trong ngành nông nghiệp, nơi các em có thể phải tiếp xúc với hóa chất độc hại và các thiết bị không an toàn. Số khác là trẻ em lang thang bán rong, hoặc chạy việc vặt kiếm sống. Một số trẻ giúp việc tại các gia đình hoặc làm tại các nhà máy. Tất cả các em đều không có cơ may sống một tuổi thơ thực sự, một nền giáo dục đầy đủ hoặc có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đa số lao động trẻ em được sử dụng tại châu Á (trên 153 triệu); tại châu Phi con số này là 80 triệu và Mỹ La-tinh là 17 triệu. Điều kiện làm việc khắc nghiệt và độc hại nhất của trẻ em là ở khu vực cận Xa-ha-ra. Mới đây, cảnh sát Buốc-ki-na Pha-xô với sự hỗ trợ của các chuyên gia Tổ chức cảnh sát quốc tế In-tơ-pôn (Interpol) đã tiến hành chiến dịch giải phóng 400.000 trẻ em lao động tại những mỏ khai thác vàng. Hầu hết những em này phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt tại các hầm mỏ chật hẹp có độ sâu tới 70m, thiếu không khí trong lành và không được trả lương. Hiện nay, các em đã được đưa đến trại nuôi dưỡng và chính quyền địa phương bắt đầu tìm kiếm cha mẹ chúng.

Ở các nước đang phát triển, tình trạng lao động trẻ em vẫn còn phổ biến. Tại nhiều nước châu Á, hàng triệu trẻ em phải lao động nặng nhọc trên những cánh đồng bông và lúa mì, tham gia sản xuất gạch đá, xi măng và cao su. Hàng nghìn em khác phải làm những việc không phù hợp với độ tuổi và nguy hiểm cho sức khỏe như phun thuốc sâu cho hoa màu ở các trang trại, quấn thuốc lá, làm pháo hoa, hoặc công việc liên quan đến linh kiện điện tử...

Những quốc gia châu Phi gần sa mạc Xa-ha-ra có tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất, với hơn 50% trẻ em độ tuổi từ 5 - 14 phải lao động. Đa số lao động trẻ em ở vùng nông thôn, chủ yếu làm việc cho gia đình, chứ không phải cho các nhà máy.

Tình trạng ép buộc lao động trẻ em không chỉ xuất hiện ở những nước nghèo mà ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ. Theo số liệu của Tổ chức phi chính phủ - Dự án Polaris, tại Mỹ, hằng năm có hơn 100.000 trẻ vị thành niên bị dụ dỗ, lôi kéo vào hành vi mại dâm, đóng các bộ phim khiêu dâm. Theo bà Pép-pa Hô-nô (Pepa Horno), chuyên gia của tổ chức Cứu trẻ em (Save the children), một trong những hình thức nô dịch trẻ thơ là việc buôn bán trẻ em với doanh số hằng năm lên tới 23,5 tỷ ơ-rô, hay bóc lột tình dục từ các thương vụ du lịch “sex” với sự tham gia của 1,8 triệu trẻ vị thành niên. Hiện nay 300.000 trẻ em dưới 15 tuổi bị bắt đi lính và dính líu vào các cuộc xung đột vũ trang.

Ở một số nước, mặc dù có luật nghiêm cấm lao động trẻ em, song tình trạng lao động trẻ em vẫn tồn tại bởi sự bàng quan và lãnh cảm của xã hội. Gần 3/4 trẻ em tham gia những công việc mà thế giới coi là lao động tồi tệ nhất, bao gồm buôn bán trẻ em, xung đột vũ trang, làm nô lệ, bị bóc lột tình dục và làm các công việc nguy hiểm. Do vậy, xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em là một trong những thách thức mang tính cấp thiết nhất hiện nay.

Nghèo đói là nguyên nhân chính

Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu đẩy trẻ em vào tay những chủ buôn bán lao động trẻ em trái phép. Ngoài số trẻ bị lừa bán và buộc phải lao động, thực tế, vì nghèo đói, nhiều cha mẹ đã bán con cái của mình vào các cơ sở sản xuất để trang trải những khoản nợ hoặc cải thiện tình hình tài chính. Do đó, ngoài lao động để nuôi sống bản thân, nhiều em trong số đó buộc phải làm việc để nuôi sống gia đình. Chuyên gia bảo vệ trẻ em thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bà Xu-đa Mu-ra-li (Sudha Murali) cho biết: “Các em bé đáng thương này không những không được bố mẹ nuôi dạy yêu chiều, mà còn phải lao động để trang trải các món nợ cho gia đình, phần lớn là các món nợ của bố mẹ chúng”.

Nhiều trẻ em tại các quốc gia đang phát triển bị buộc phải đi làm để kiếm đồng lương ít ỏi, thay vì cắp sách đến trường. Ấn Độ đứng đầu trong danh sách này, với trẻ em được sử dụng để chế tạo ra hàng chục sản phẩm như gạch, pháo hoa, giày dép, thảm,... Lao động trẻ em tại Băng-la-đét tham gia sản xuất 14 loại hàng hóa, trong đó có giày dép, gạch, đồ da,... Tại Phi-líp-pin, lao động trẻ em chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc thời trang.

Nguyên nhân khiến những chủ lao động chuộng lao động trẻ em, đó là: Thứ nhất, việc bắt buộc trẻ em làm việc dễ hơn nhiều so với người lớn. Thứ hai, trẻ em là những người ít đòi hỏi hơn và chi phí nhân công cho những lao động này có giá rẻ hơn. Chẳng hạn như ở Ga-na, nhiều trẻ em đang phải làm việc trong những ngành sản xuất nặng nhọc và nguy hiểm nhưng chỉ nhận được 1/6 số tiền lương, tính theo mức tối thiểu ở nước này.

Cứu trẻ em là cứu thế giới

Theo các tổ chức bảo vệ trẻ em, chấm dứt tình trạng lao động trẻ em và giải quyết các công việc gây nguy hiểm đối với sự an toàn, sức khỏe và đạo đức của trẻ em phải là mối ưu tiên chung và cấp bách. ILO kêu gọi giám sát kết quả và chú ý hơn đến trẻ em bị thiệt thòi nhất, dễ bị tổn thương nhất về xã hội. Hiện nay, trong tổng số 183 nước thành viên của ILO, đã có 173 nước cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em.

Vừa qua, Liên minh đối tác chống sử dụng lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp đã được thành lập, với sự tham gia của ILO, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Liên đoàn quốc tế các nhà sản xuất nông nghiệp (IFAP) và một số tổ chức công đoàn quốc tế khác. Với sự phối hợp của các đối tác quốc tế, mục tiêu chấm dứt sử dụng lao động trẻ em trong những công việc nguy hiểm nhất vào năm 2016 có thể thực hiện được.

Theo ILO, nạn sử dụng lao động trẻ em trong những công việc nguy hiểm nhất gây độc hại, khai thác tình dục trẻ em, buôn bán trẻ em và mọi hình thức nô lệ khác, phải được chấm dứt. Các nước thành viên cần coi việc loại bỏ nạn sử dụng lao động trẻ em như là một nội dung trong chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô và là một phần trong chiến lược giảm đói nghèo của mình. Liên minh đối tác nêu trên chủ trương tăng cường hợp tác cả trong chính sách lẫn hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực thi các luật về lao động trẻ em trong nông nghiệp, cải thiện điều kiện sống ở khu vực nông thôn và giảm khoảng cách về giáo dục giữa thành thị, nông thôn và giữa hai giới tính.

Trong khi đó, FAO lưu ý rằng, một số nước nghèo vẫn thành công trong việc cắt giảm, thậm chí chấm dứt tình trạng sử dụng lao động trẻ em, như ở bang Ke-ra-la (Ấn Độ). Số lao động trẻ em ở khu vực Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê cũng đã giảm đáng kể. Điều đáng mừng là số lao động trẻ em phải làm các công việc nguy hiểm và độc hại đã giảm 26% trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tình trạng này đang được cải thiện và có những tín hiệu đáng mừng. Nhiều nước châu Á đã thực hiện các chương trình hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các gia đình nghèo có con đi học hoặc cung cấp lương thực bổ sung cho các gia đình có nhiều trẻ em. Các hoạt động thiết thực trên phần nào giúp giảm bớt gánh nặng của gia đình nghèo, từ đó có cơ hội tạo điều kiện cho trẻ đến trường.

Để chống lại nạn bóc lột trẻ em, nhiều tổ chức quốc tế đã đề ra khẩu hiệu: Cha mẹ làm việc, trẻ em tới trường. Theo ILO, ngăn chặn lao động trẻ em không chỉ là một vấn đề đơn lẻ mà phải gắn với những nỗ lực quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các tổ chức bảo vệ trẻ em, để đấu tranh chống tình trạng lao động trẻ em, cần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở những khu vực lạc hậu; đấu tranh với tình trạng lao động trẻ em bất hợp pháp, nhất là ở những quốc gia thuộc khu vực nguy cơ cao. Nếu không, tình trạng ép buộc trẻ em lao động sẽ không được đẩy lùi./.

Cho đến nay, đã có nhiều nỗ lực quốc tế để xóa bỏ lao động trẻ em.

Đó là:

- Năm 1919: Hội nghị lao động quốc tế lần thứ nhất thông qua Công ước tuổi lao động tối thiểu.

- Năm 1930: Thông qua Công ước lao động bắt buộc đầu tiên.

- Năm 1973: Thông qua Công ước tuổi lao động tối thiểu.

- Năm 1992: ILO thành lập Chương trình quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em (IPEC).

- Năm 1996: Tuyên bố Stốc-khôm và Chương trình hành động: Thảo ra nguyên tắc: một tội ác chống lại trẻ em ở một nơi mà tội ác ở mọi nơi. ILO đã hệ thống hóa thành tiêu chuẩn quốc tế bằng cách phát triển một công ước ba năm sau đó, công ước này giải thích rõ việc bắt buộc thi hành các hình phạt.

- Năm 1998: Thông qua Tuyên bố về những nguyên tắc cơ bản và quyền làm việc: Tự do của hiệp hội, loại bỏ lao động bắt buộc, chấm dứt đối xử phân biệt tại nơi làm việc và xóa bỏ lao động trẻ em. Tất cả các quốc gia thành viên của ILO cam kết tuân theo và thúc đẩy các nguyên tắc này.

- Năm 1999: Thông qua Công ước về các hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em. Sự chú ý của thế giới tập trung vào sự cần thiết phải hành động nhanh chóng để xóa bỏ tất cả các hình thức của lao động trẻ em gây ra những tổn hại về mặt thể chất tinh thần và đạo đức. 3/4 quốc gia thành viên ILO đã thông qua Công ước này.

- Năm 2002: ILO lấy ngày 12-6 là Ngày Quốc tế chống lao động trẻ em. Hơn 80 nước đã được ILO hỗ trợ xây dựng chương trình đấu tranh chống lao động trẻ em.

Theo Tạp chí Cộng Sản