Bằng "xịn", nhiều chứng chỉ... vẫn đối mặt với nguy cơ không được tuyển dụng

12/06/2013 09:46 AM


“Tôi có bằng thạc sĩ, có kinh nghiệm làm việc và năm nay mới 28 tuổi. Thế nhưng, 6 tháng qua vẫn không có công ty nào chịu nhận dù tôi không đòi hỏi mức lương cao, cũng không yêu cầu điều kiện tốt” - Lan Hương, tốt nghiệp Thạc sĩ ở Mỹ về, than thở như vậy khi đến nộp hồ sơ tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM.


Nhiều bằng cấp cũng thất nghiệp

Lan Hương cho biết lý do các nhà tuyển dụng phỏng vấn rồi từ chối là vì họ chê chị cái gì cũng biết nhưng biết lớt phớt, không chuyên sâu: “Tôi cũng thừa nhận là bằng cấp của mình hơi dàn trải nhưng đó là kiến thức cơ bản mà tôi muốn trang bị để sau này không phải vừa làm vừa học. Tôi rất ý thức việc mình học để có kiến thức sau này làm việc chứ không phải lấy nhiều bằng cấp để phô trương”. Cũng lâm vào tình cảnh như vậy, Đào Văn Sơn từ Anh Quốc về, phải chạy đôn chạy đáo tìm việc hơn năm nay. Kiến thức về báo chí hiện đại được trang bị ở nước ngoài những tưởng sẽ giúp Sơn có được một vị trí “ngon lành” ở các cơ quan truyền thông, thế nhưng khi nhìn bằng cấp của anh, người ta lại lắc đầu. Trưởng phòng tổ chức một tờ báo lớn tại TPHCM nói thẳng: “Hiện nay, nhiều đơn vị đang cắt giảm nhân sự, thậm chí người có kinh nghiệm cũng thất nghiệp huống hồ gì người chỉ có lý thuyết”. Sơn cho biết có một trường đại học mời anh giảng dạy về báo chí hiện đại nhưng rồi họ cũng chỉ hợp đồng ngắn hạn chứ không chính thức tuyển dụng: “Thật sự bây giờ tôi cũng không biết phải làm gì để có kinh nghiệm thực tế bởi có nơi nào nhận mình, cho mình cơ hội để thực hành đâu? Cô bạn tôi học ở Ấn Độ về cũng thất nghiệp phải nhận “trợ cấp” từ ông bà già đã nghỉ hưu, thật khổ!”.

Đừng kêu ca, hãy chung lưng

Có được một công việc đã khó, để “trụ” lại và gắn bó lâu dài càng khó hơn. Nếu bạn không chăm chỉ, siêng năng, không chấp nhận “một người làm việc bằng hai” trong tình hình hiện nay thì nguy cơ bị đào thải treo lơ lửng trên đầu. Chị Hoàng Thị Minh Thúy, Trưởng Phòng Nhân sự công ty H.K (quận 6, TP HCM), kể do tình hình khó khăn, công ty sáp nhập một số bộ phận, nhiều nhân viên dôi dư phải nghỉ việc; những người còn lại phải đảm trách công việc gấp đôi nhưng tiền lương vẫn vậy. Nếu có ai kêu ca thì giám đốc trả lời: “Khả năng của công ty chỉ đến đó, nếu các anh chị không chịu đựng nổi thì chúng ta đành chia tay vậy”. Nghe thế, ai cũng sợ vì trong tình cảnh hiện nay, có được việc làm với thu nhập ổn định là mừng rồi, chưa nói cao hay thấp: “Có nhiều người được giữ lại nhưng sau đó làm việc với tâm trạng không vui, làm việc không hết mình, lúc nào cũng phàn nàn; thế là bị trả về phòng nhân sự, chúng tôi đành phải tìm cách cho nghỉ việc. Giám đốc của chúng tôi hay nói “tốt nhất là các bạn hãy chung lưng đấu cật với công ty trong lúc khó khăn chứ đừng kêu ca”.

Không nên tách mình khỏi tập thể

Trong điều kiện hiện nay, làm việc đội nhóm luôn được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chú trọng. Một nhân viên thiếu tinh thần tập thể rất dễ bị “dòm ngó”, thậm chí bị đưa vào danh sách “ưu tiên loại trừ” khi có cơ hội. “Trong xã hội hiện đại khi mà phân công lao động ngày càng chuyên sâu thì một môi trường làm việc đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau rất quan trọng. Chỉ cần 1 chiếc ốc vít trong guồng máy bị hư hỏng, lỏng lẻo thì cả dây chuyền sẽ bị ảnh hưởng” - ông Lê Nam Tấn, Giám đốc Công ty Đông Anh (quận 3, TP HCM), nhìn nhận.

Điều này cũng phù hợp với kết quả khảo sát đầu năm 2013 của Trung tâm Trí Tuệ Việt: 98% trong số 456 nhà quản lý doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho biết tinh thần đồng đội, biết làm việc đội nhóm là tiêu chuẩn không thể thiếu khi tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Những biểu hiện của việc thiếu tinh thần làm việc đội nhóm là bảo thủ, nguyên tắc cứng nhắc, tự cao tự đại. “Cá tính này sẽ là tác nhân đẩy các bạn trẻ đi gần đến nguy cơ thất nghiệp”- ông Trương Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Trí Tuệ Việt, nhận xét.

Thất nghiệp vì... chảnh

Không lượng sức mình, cậy vào bằng cấp khá giỏi để đưa ra những yêu cầu “trên mây” khiến nhiều lao động trẻ bị nhà tuyển dụng loại bỏ.

Trong đợt tuyển dụng mới đây, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Dương (Quận 11, TPHCM) nhận được hồ sơ dự tuyển của hơn 100 ứng viên, trong đó nhiều ứng viên có bằng cấp loại giỏi. Tuy nhiên, ngay từ vòng sơ loại, bộ phận tuyển dụng của công ty loại ngay hơn 30 hồ sơ.

Ảo tưởng về năng lực, bằng cấp

Trả lời thắc mắc của chúng tôi về cách xét chọn hồ sơ như thế có bị “lọt người” hay không, bà Lê Thị Thu, Giám đốc công ty, lấy ra một hồ sơ bị loại, chỉ vào mục “mong muốn của ứng viên” rồi giải thích: “Chưa cần xem các mục khác, chỉ cần xem ở đây cũng có thể đánh giá hồ sơ. Ứng viên này mới ra trường đã mong muốn được bố trí làm quản lý, lương cao, được tự do sáng tạo. Tôi sẽ không tuyển một người như thế”. Theo bà Thu, rất nhiều ứng viên dù chỉ ứng tuyển vào vị trí nhân viên nhưng lại có những nguyện vọng “làm lớn” như thế, kèm theo đó là những yêu cầu hết sức vô lý, không phù hợp với hoàn cảnh, môi trường làm việc của công ty. Chẳng hạn, có ứng viên mong muốn công ty có chế độ phúc lợi tốt, được cho đi công tác xa bằng máy bay; có ứng viên đề xuất khi đi tour phải được ở phòng riêng hoặc có ứng viên đòi hoa hồng hợp đồng cao gấp đôi vì “sẽ biết cách tìm được những hợp đồng lớn”. Nhiều ứng viên ảo tưởng về năng lực, bằng cấp của mình, xem đây là cơ sở để “mặc cả” với nhà tuyển dụng, chính suy nghĩ lệch lạc này đã khiến nhiều bạn trẻ để vuột mất cơ hội việc làm.

Đánh mất sự khiêm tốn

Trong quá trình tuyển dụng, thường xuyên tiếp xúc với người tìm việc, bà Phan Thị Thu Hương, Giám đốc nhân sự Công ty Schaeffler Việt Nam, nhìn nhận rất nhiều ứng viên tự đánh mất cơ hội do thái độ ứng xử, suy nghĩ huyễn hoặc về bản thân. Bà Hương nêu trường hợp điển hình của một nam ứng viên 28 tuổi mà bà rất tiếc khi phải loại người này bởi thái độ quá... “chảnh”. Khi đọc hồ sơ của ứng viên trên, bà rất ưng ý về cách thể hiện hồ sơ, trình độ và kinh nghiệm làm việc trước đó của ứng viên. Sau khi phỏng vấn qua điện thoại bằng tiếng Anh, bà còn hài lòng hơn về khả năng sử dụng ngoại ngữ, khả năng ứng biến tình huống của ứng viên. Tuy nhiên, sau đó thì bà hoàn toàn thất vọng về thái độ của anh này: “Khi được mời đến phỏng vấn trực tiếp, câu đầu tiên mà anh ta nói với tôi là “Chị thấy mức lương và những yêu cầu của em trong hồ sơ chưa mà kêu đi phỏng vấn?”. Nghe vậy, cả hội đồng tuyển dụng đều lắc đầu”. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp ứng viên đòi hỏi quá đáng khi tham gia tuyển dụng. Theo bà Hương, không ít ứng viên vì quá tự tin nên đánh mất đức tính khiêm tốn - yếu tố mà nhà tuyển dụng rất cần.

Mức lương “trên trời”

Cùng với việc đưa ra những yêu cầu “quá sức chịu đựng” đối với nhà tuyển dụng, ứng viên thường đưa ra mức lương quá cao so với vị trí ứng tuyển. Một nhân viên bộ phận tuyển dụng của CLB Nhân sự Việt Nam đưa cho chúng tôi xem một số hồ sơ xin việc. Dừng lại với hồ sơ của ứng viên P.T.Tr, 24 tuổi, cử nhân khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy mức lương yêu cầu của ứng viên này là 1.000 USD/tháng. Đại diện bộ phận tuyển dụng của CLB Nhân sự Việt Nam cho biết trong hàng ngàn hồ sơ nhận được qua hòm thư điện tử, có rất nhiều hồ sơ yêu cầu mức lương cả ngàn USD như thế trong khi chỉ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm gì. Các nhà tuyển dụng cho biết mức lương từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/tháng là mức lương của cấp quản lý. Trong khi đó, rất nhiều bạn trẻ chỉ ứng tuyển vào vị trí nhân viên nhưng cũng đưa ra mức lương như thế là không lượng được sức mình. Bà Lê Thị Thu nhận định: “Các bạn trẻ chưa tìm hiểu kỹ về công ty, đặc thù công việc trước khi quyết định ứng tuyển nên thường có những yêu cầu quá đáng. Không có doanh nghiệp nào mạo hiểm đi “săn” nhân tài kiểu như vậy”.

Theo NLĐO