Siết thời gian khám, chữa bệnh: Bệnh nhân vẫn phải chờ... dài cổ

07/06/2013 09:29 AM


Đã hơn 1 tháng kể từ ngày Hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện của Bộ Y tế được ban hành và có hiệu lực, tại các bệnh viện tuyến đầu, tình trạng chờ đợi vẫn kéo dài.


Người dân chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện K TƯ

Chờ... dài cổ

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các khâu khám chữa bệnh giảm từ 12 bước xuống 4 bước cơ bản: Tiếp đón, khám và chẩn đoán, thanh toán viện phí, phát và lĩnh thuốc. Thời gian khám bệnh đơn thuần là 2 giờ, khám lâm sàng thêm 1 xét nghiệm là 3 giờ, khám lâm sàng thêm 2 kỹ thuật là 3,5 giờ, còn làm trên 3 kỹ thuật là 4 giờ. Như vậy, trung bình thời gian khám bệnh đến khi lĩnh thuốc, Bộ Y tế khống chế trong vòng từ 2-4 giờ. Tuy nhiên, sau 1 tháng triển khai, khảo sát tại một số bệnh viện T.Ư cho thấy, thời gian khám chưa được cải thiện. Nhiều bệnh nhân cho biết đều phải chờ đợi từ 6-8 giờ, thậm chí cả ngày mới lấy được kết quả xét nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Hoa (Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết, bà bị đau dạ dày, nghi ung thư nên vào Bệnh viện K T.Ư khám. Bà đến từ 7 giờ sáng, làm xét nghiệm máu, nước tiểu, sinh thiết và phải đợi đến gần trưa mới được khám để chỉ định làm các xét nghiệm. Bác sĩ hẹn chiều mới lấy được kết quả xét nghiệm, còn kết quả sinh thiết phải chờ 3 ngày nữa. Một bệnh nhân khác nằm bẹp trên ghế, thở yếu ớt tại cửa phòng chờ chụp CT của Bệnh viện K. Người nhà cho biết, bệnh nhân 60 tuổi, quê ở Nam Định, được chẩn đoán u não, hiện đang bị đau đầu, nhập viện cấp cứu nhưng suốt từ sáng vẫn chưa làm xong mấy xét nghiệm, chụp chiếu.

Tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư vẫn treo biển "Quy trình khám bệnh" với 10 bước: Lấy số, làm thủ tục tài chính (bảo hiểm y tế, thu phí), làm thủ tục khám theo số, bệnh nhân vào khám, khi bác sĩ chỉ định xét nghiệm- đi nộp tiền hoặc xác nhận bảo hiểm y tế, lấy máu xét nghiệm, nhận kết quả xét nghiệm, rồi quay lại phòng khám để bác sĩ kết luận và nhận đơn thuốc, bệnh nhân làm thủ tục kết thúc khám và lĩnh (mua) thuốc.

Đánh đố bệnh viện

Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo - Trưởng khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K T.Ư) cho biết, quy định khám chữa bệnh tối đa từ 2-4 giờ là không thể thực hiện được. "Chờ để lấy phim chụp CT đã mất nửa ngày rồi. Còn đăng ký bảo hiểm, khám xếp số, xét nghiệm... Còn đợi lấy kết quả sinh thiết thì phải chờ 3 ngày. Chẳng có căn cứ nào để nói là chờ 2-3 giờ thì lấy đủ kết quả xét nghiệm hay lĩnh thuốc cả" - bác sĩ Bảo thẳng thắn - "Buổi sáng từ 7 giờ 30-12 giờ) một bác sĩ khám khoảng 100 bệnh nhân thì người đến sau phải chờ người đến trước, số phòng khám cũng không thể nở mãi theo bệnh nhân được, vì thế sẽ không xác định được phải chờ bao lâu mới khám xong". Còn ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi bệnh nhân đến khám đã mất khoảng 4 giờ. Tuy nhiên, các bệnh nhân nặng cần nhiều xét nghiệm, chẩn đoán thì thời gian chờ đương nhiên sẽ lâu hơn. Vì thế, quy định khám chữa bệnh 2-4 giờ của Bộ, trước mắt là khó khả thi.

Quá tải nhà lưu trú thân nhân

Dù nội quy không cho phép thân nhân người bệnh sống dài ngày ở bệnh viện nhưng các bác sĩ đành nhắm mắt cho qua vì hoàn cảnh của họ quá khó khăn.

Trong phiên giải trình trước Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết nếu đến Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM vào ban ngày còn đỡ, chứ buổi tối thì như trại tị nạn.

Mắt nhắm, mắt mở

Ngay từ mờ sáng, các bệnh nhân cùng người thân từ nhiều vùng quê tay xách nách mang vào BV Ung Bướu TPHCM bắt đầu chuỗi ngày điều trị. BV này đang là điểm nóng về quá tải ở TPHCM, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân đến khám cùng với 1.300 - 1.400 bệnh nhân ung thư điều trị nội trú. Hàng chục năm qua, diện tích đất ở BV không “nở” nhưng số bệnh nhân tăng trung bình 7%-10%/năm. Bác sĩ (BS) Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV Ung Bướu TPHCM, cho biết vài năm trước, BV có khu đất trống, người nhà bệnh nhân tận dụng để tạm bợ trốn nắng, che mưa nuôi bệnh. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng BV nên mảnh đất này được lấy lại để xây khu điều trị gia tốc. Kể từ đó, người nuôi bệnh không còn chỗ ở, đành thuê trọ xung quanh BV, chợ Bà Chiểu... sống qua ngày.

Theo nguyên tắc, BV không để thân nhân người bệnh nằm hành lang nhưng trong nhiều trường hợp cũng phải linh hoạt xử lý. Với những bệnh nhân nặng, nằm dài ngày, người thân vẫn được nghỉ qua đêm ngoài hành lang để tiện bề chăm sóc. Hằng đêm, lực lượng bảo vệ đi tuần cả khuôn viên BV nhằm phát hiện kẻ gian trà trộn ăn cắp tài sản của thân nhân người bệnh. Việc quản lý thân nhân người bệnh cũng đang là vấn đề khá nan giải đối với BV Nhi Đồng 2 - TPHCM. BS Phạm Mai Đằng, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết BV hiện có một khu nhà dành cho thân nhân của các bệnh nhi nặng nằm trong Khoa Hồi sức tích cực. Tuy nhiên, dãy nhà này luôn trong tình trạng quá tải. “Sở dĩ BV bố trí dãy nhà này nhằm giải tán đám đông tụ tập trước cửa Khoa Hồi sức. Dãy nhà có bố trí giường, chiếu, loa. Khi nào trên khoa cần gặp người nhà bệnh nhi sẽ gọi loa xuống” -  BS Đằng nói.

Theo BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng Khoa Thận - Máu - Nội tiết, BV Nhi Đồng 2, khoa có khoảng 20 bệnh nhi do hoàn cảnh khó khăn, thân nhân phải sống luôn trong BV: “Dù nội quy không cho phép gia đình bệnh nhi ở lại BV nhưng chúng tôi cũng đành… mắt nhắm mắt mở với những trường hợp nghèo và ở xa”. Chiều tối, thân nhân bệnh nhi trải chiếu nằm la liệt hành lang, gầm cầu thang và sân BV. Để bảo đảm tình hình an ninh trật tự trong khoa, tuần nào BS Thúy cũng họp với thân nhân các bệnh nhi để dặn dò.

Tại Hà Nội, BV Việt Đức là cơ sở đầu tiên xây nhà lưu trú cho thân nhân người bệnh. Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, khu nhà lưu trú được xây dựng cách đây 10 năm với gần 300 giường, giá thuê từ 10.000-15.000 đồng/người/ngày. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 1.100 bệnh nhân điều trị nội trú, mỗi bệnh nhân có ít nhất 1-2 người nhà đi theo chăm bệnh. Chính vì thế, nhà lưu trú lúc nào cũng kín người thuê. Mới đây, BV đã đưa vào sử dụng khu nhà chờ có ghế ngồi cho khoảng 400-500 người.  Tuy nhiên, 2 địa điểm trên mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại người nhà bệnh nhân phải ra ngoài thuê trọ. “Vẫn biết rằng thêm nhiều khu nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân sẽ bớt cảnh nằm ngồi vạ vật, BV cũng bớt lộn xộn nhưng BV không còn đất để xây” - ông Quyết trăn trở.

Sau BV Việt Đức, Bạch Mai là BV đa khoa hạng đặc biệt, lớn nhất cả nước với gần 2.000 giường bệnh, thường xuyên tiếp nhận khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú. Năm 2010, BV đưa vào sử dụng khu nhà lưu trú cho gia đình bệnh nhân nghèo. Ông Phạm Thế Hùng, Trưởng Đơn vị dịch vụ BV Bạch Mai, cho biết khu nhà rộng 600 m2, có 300 giường, đủ chỗ cho 300 người nhà bệnh nhân/ngày với giá thuê 15.000 đồng/ngày. Dù vậy, tình trạng nằm hành lang, bãi cỏ, gốc cây... trong khuôn viên BV Bạch Mai vẫn chưa thể giải quyết. Theo một số người đi chăm bệnh, sở dĩ họ chọn hành lang để “tá túc” phần vì khu nhà lưu trú không đáp ứng đủ nhu cầu; phần vì nhiều gia đình đi chăm bệnh phải tằn tiện từng đồng, không dám bỏ tiền thuê chỗ nằm. “Nếu phải đi thuê chỗ ngủ bình quân 15.000 đồng/ngày, tính ra mất 500.000 đồng/tháng. Những người đi chăm bệnh nhẹ thì không sao nhưng bệnh nặng lại điều trị dài ngày, đến khẩu phần ăn còn phải cắt giảm nói gì đến chỗ ngủ” - bà Nguyễn Thị Ánh (quê Ninh Bình) than thở.

Siết vượt tuyến cần linh hoạt

Ngành y tế vẫn đang “đau đầu” vì số bệnh nhân vượt tuyến ngày càng tăng. Năm 2010, có khoảng trên 3 triệu người, năm 2011 là 9,1 triệu và đến năm 2012 đã có 9,95 triệu bệnh nhân vượt tuyến. Mỗi bệnh nhân vượt tuyến thường kèm theo người nhà đi theo chăm sóc khiến các BV luôn trong tình trạng quá tải. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng không thể dùng mệnh lệnh hành chính để siết vượt tuyến hay giảm quá tải. Theo luật, người bệnh có quyền chọn nơi khám, chữa bệnh tốt nhất. Hơn nữa, BS cũng phải có trách nhiệm với bệnh nhân, không thể vì bệnh nhân vượt tuyến mà từ chối khám, chữa bệnh. Việc phân tuyến là cần thiết nhưng cũng phải mềm dẻo để vừa chống quá tải tuyến trên đồng thời đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Vấn đề quan trọng là làm sao nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới nhằm lấy lại niềm tin cho người bệnh. Kế đó là điều chỉnh lại chi phí khám, chữa bệnh. Nếu chi phí của tuyến dưới thấp hơn tuyến trên mà chất lượng giống nhau, chắc chắn bệnh nhân sẽ chọn tuyến dưới.

Theo Dân Việt, NTNN