Công nhân lao động và bài toán thoát nghèo

22/04/2014 01:25 AM


Đa số công nhân (CN) làm việc tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM... đều là dân nhập cư, họ bỏ làng quê, đồng ruộng đi làm CN với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó, cái họ còn lại là sức khỏe bị bào mòn, tay trắng, chật vật bám lại đất khách, cái đói, cái nghèo cứ quấn lấy họ.


Chị Điệp - công nhân may - ngoài giờ làm việc ở Cty, chị nhận hàng về nhà làm thêm.

Nuôi một đứa con học đại học là mãn nguyện!

TPHCM những ngày tháng 3 nắng như đổ lửa, căn phòng trọ tứ phía chằng chống bằng tôn của chị Dung (P.Thạnh Xuân, Q.12) càng bức bối. Chị Dung (quê Khánh Hòa), làm CN tại Cty Shilla Bags Việt Nam, Q.12. Mấy hôm nay, CN Cty chị ngừng việc phản đối việc Cty hạn chế CN đi vệ sinh. Cty không giải quyết, CN bức xúc, Cty lại cho CN về. Chị

Dung thở dài kể, trời nóng, trên xưởng làm việc thì bức bí, mồ hôi như tắm, nước uống bị hạn chế, đi tiểu thì bị cấm, bồn rửa mặt chỉ có 1 cái xài được. Giờ nghỉ trưa, 900 CN, ai cũng muốn rửa mặt cho mát, nhưng tranh giành cũng chán! Nghỉ việc ở nhà cũng không yên.

“Bốn phía tôn, mái tôn, trời nắng nóng, đứng, ngồi, nằm cũng không xong, muốn chạy ra khỏi nhà, nhưng cũng không biết đi đâu. Ngẫm sao đời mình khổ thế, suốt ngày cắm mặt ở xưởng, về tới nhà nhiều lúc mệt quá lại ứa nước mắt khóc thầm, định buông xuôi, nhưng còn đứa con. 10 năm vào TP làm CN, tài sản duy nhất của đời mình là đứa con gái đang học lớp 3, lại gắng gượng để nuôi con” – Chị Dung rưng rưng.

Gần tới giờ vào ca, chị Hà (quê Hà Tĩnh, CN Cty Freetrend, KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức) còn nấn ná ở cổng KCN. Chị tranh thủ nhặt chai nước, hộp nhựa mà đồng nghiệp xả ra để bán ve chai. Nhìn mớ vỏ chai vừa nhặt được, chị cố trần tình: “Nhiêu đây cũng được gần 10.000 đồng rồi em. Thêm được đồng nào hay đồng đó”.

Chị Hà cũng như hàng trăm ngàn CN khác đang cố gắng sống, nuôi con với đồng lương còm cõi, chống chọi với giá cả tăng hằng ngày. “Chúng tôi gần như là những CN lớn tuổi nhất của các KCN-KCX ở TPHCM. Vợ chồng tôi vào đây đã hơn 15 năm, con tôi đang học đại học Nguyễn Tất Thành năm thứ 3.

Vợ chồng làm CN, lương đủ sống đã khó, nuôi một đứa con ăn học càng khó hơn, nhưng cũng phải cố thôi, vốn liếng của cuộc đời của vợ chồng tôi đặt hết cả vào con rồi” – anh Hùng - CN Cty D.I, Q.Thủ Đức - bộc bạch.

Bám lại hay về quê đều khổ!

Sau cuộc ngừng việc kéo dài của Cty Shilla Bags Việt Nam, gần 100 CN của Cty đã nghỉ việc. Vốn bị bệnh sạn thận, chị Dung rất khốn khổ với quy định của Cty, đã nhiều lần có ý định xin nghỉ nên sau vụ ngừng việc, chị đã nộp đơn xin nghỉ việc.

Chị thở dài: “Tôi đang tính đưa con về quê, nhưng chưa biết về quê sẽ sống ra sao. Ở lại thì ngày mai phải cắp hồ sơ đi xin việc. CN may thì dễ xin, nhưng giờ mình vào Cty may là phải chấp nhận lương học việc, bắt đầu lại từ đầu. “Mình có kinh nghiệm về may ba lô, túi xách đã nhiều năm, hy vọng có chỗ nhận.

Nhưng quanh đây lại không có Cty may ba lô, túi xách, đi xa quá lại khó đưa đón con đi học, hoặc chuyển chỗ ở thì ảnh hưởng đến chuyện học của con, trăm đường khó, cô nhỉ?” – chị Dung thở dài.

Khi con gái bắt đầu học mẫu giáo, vợ chồng chị Phúc (quê Quảng Nam) cũng nộp đơn xin nghỉ việc. Chị Phúc kể, chồng chị đưa con về quê nhập học, ở lại TP, kiếm được một suất trường công quá khó, anh quay lại với nghề làm ruộng. Chị được chị gái sang lại quán càphê vỉa hè. Còn một mình, chị thuê một căn gác của người quen với giá 500.000 đồng/tháng, bao cả điện nước.

Mỗi tháng, nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm chị gửi về quê được 2 triệu đồng, phụ chồng nuôi con. “Trước chị làm CN may, may thuần thục nhưng chị chỉ biết may thôi, không biết cắt, vẽ nên mình không làm CN, về nhà làm thợ may cũng không được.

Có chăng là mua cái máy may rồi nhận hàng người ta cắt sẵn về may, làm vậy còn tội hơn làm CN. Có bà chị sang lại cái quán nước di động này, ráng làm vài năm, trả nợ xong tiền vay làm nhà ở quê thì tôi cũng về với chồng con” – chị Phúc bộc bạch.

Theo Báo Lao động