Xử lý nợ lương kéo dài

18/02/2013 08:01 AM


Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đã cận kề, người lao động tại nhiều doanh nghiệp đang khấp khởi đón nhận “lương tháng thứ 13”, hân hoan với những khoản thưởng Tết, quà Tết, "lì xì" hậu hĩnh. Một doanh nghiệp ở Đồng Nai có mức thưởng Tết cao nhất lên tới hơn 600 triệu đồng/người, trong khi hàng nghìn doanh nghiệp vẫn đang nợ lương công nhân.


Nhiều doanh nghiệp vẫn đang nợ lương công nhân

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, chỉ trong tháng 1 năm 2013, cả nước có tới 4.278 doanh nghiệp bị giải thể, tạm ngừng hoạt động. Điều ấy có nghĩa là, rất nhiều người lao động đã từng bị những doanh nghiệp này nợ lương đã không còn cơ hội nhận lại khoản thu nhập chính đáng trước đó của mình.

Thực ra, tình trạng nợ lương, chậm lương không chỉ tập trung vào những tháng cuối năm, mà diễn ra khá phổ biến vào tất cả các thời điểm trong năm, tại nhiều loại hình doanh nghiệp. Có công ty nợ lương công nhân tới 4-5 tháng liền và hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Có một thực tế, dù bị chủ doanh nghiệp nợ lương hoặc chậm chi trả thu nhập hằng tháng, nhưng phần lớn người lao động không dám bày tỏ thái độ mà vẫn cố gắng trông chờ. Nhiều người tìm cách thắt chặt chi tiêu, xoay xở kiếm thêm thu nhập. Những ai từng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì gắng gượng chờ giải quyết chính sách... Cũng có người không dám bỏ việc vì sợ “mất cả chì lẫn chài”, tiếc số lương chưa được nhận nên cố nấn ná ở thêm. Hơn nữa, với họ, để tìm được một công việc mới cũng không dễ dàng. Nắm bắt tâm lý ấy, nhiều doanh nghiệp đã cố tình lần khất nợ lương người lao động, thậm chí ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh có lãi vẫn chậm trả lương!

Muốn khắc phục tình trạng này đòi hỏi nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong lúc giảm phát kinh tế, người lao động có thể chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm, chậm nâng lương, giảm phúc lợi xã hội… chứ không thể để chủ doanh nghiệp nợ lương kéo dài. Vì vậy, cần nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể, nghề nghiệp, nhất là trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động của tổ chức công đoàn. Nếu cần, có thể kiến nghị với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, ngành chủ quản… can thiệp, giải quyết.

Về pháp lý, hành vi chủ doanh nghiệp nợ lương đã được quy định rõ tại Điều 96 của Bộ luật Lao động. Theo đó, người lao động phải được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt mà doanh nghiệp không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá một tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Hơn thế, để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, hiện nay Chính phủ đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án về xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật lao động. Mức phạt đối với đối với trường hợp doanh nghiệp nợ lương công nhân có thể từ 20 đến 50 triệu đồng. Hy vọng, bằng sự vào cuộc “mạnh tay” của các ngành chức năng, tình trạng nợ lương, chậm lương sẽ từng bước được khắc phục. Dĩ nhiên, điều cần thiết nhất vẫn là tính chủ động, tự giác, tích cực của chủ doanh nghiệp đối với vấn đề an sinh của người lao động. Suy cho cùng, chỉ khi nào chủ doanh nghiệp giải quyết hài hòa mối quan hệ với người lao động, trong đó có yếu tố quan trọng là bảo đảm thu nhập chính đáng, thì doanh nghiệp đó mới thực sự phát triển bền vững.

Theo Báo Quân đội nhân dân