IFRC: Hàng triệu người châu Âu mất việc

18/02/2013 06:46 AM


Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) vừa cảnh báo do tác động của suy thoái kinh tế, hàng triệu người châu Âu đã rơi vào tình cảnh không có việc làm, vô gia cư, đói nghèo và không chắc chắn về tương lai.


Số liệu thống kê mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), cho biết trên 26 triệu người hiện không có việc làm ở khu vực gồm 27 quốc gia thành viên này, với tỷ lệ những người cần hỗ trợ giúp đỡ ngày một gia tăng. Hiện IFRC đang phải cung cấp lương thực cho hơn 55 triệu người mỗi năm, đồng thời nhận yêu cầu giúp đỡ thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước, tiền sưởi ấm từ những người thất nghiệp, người già và thậm chí từ cả những người trẻ tuổi.

Tại Pháp, khoảng 14% dân số hiện đang sống dưới ngưỡng nghèo và nhiều người trong số họ phải tìm kiếm sự trợ giúp của IFRC.

Tại Latvia, số người xin trợ giúp lương thực từ IFRC đã tăng từ 40.000 người năm 2009 lên 143.000 người năm ngoái.

Tại Tây Ban Nha, IFRC nước này phải cung cấp 33.000 tấn lương thực cho khoảng 1 triệu người trong năm 2012, hỗ trợ tìm việc làm cho 60.000 người và giúp 21.500 người trang trải các chi phí như tiền điện, nước, tiền thuê nhà.

Tại Hy Lạp, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp lên tới 26%, IFRC cũng phải gia tăng trợ giúp tài chính cho những người thật sự cần thiết, cung cấp lương thực và các hỗ trợ về mặt tâm lý khác.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của IFRC, bà Anitta Underlin, cho biết cuộc khủng hoảng nợ công không chỉ tạo ra những lớp người nghèo mới, mà ngay cả tầng lớp trung lưu cũng mất việc làm, lợi nhuận, và tình hình còn nghiêm trọng đối với bộ phận dân cư dễ bị tổn thương. Trong 5 năm qua, IFRC đã phải cố gắng ứng phó với cuộc khủng hoảng, song tổ chức này cũng vấp phải tình thế "tiến thoái lưỡng nan" do nhu cầu ngày một gia tăng, trong khi ngân quỹ hoạt động bị thắt chặt hơn.

"Nguy cơ khủng hoảng việc làm có thể còn kéo dài"

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder cảnh báo rằng các điều kiện và tình hình liên quan đến kinh tế toàn cầu hiện nay cho thấy nguy cơ khủng hoảng việc làm còn kéo dài. Đây chính là thách thức đau đầu của các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu - khu vực đang chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công. Nếu nhận thức được đầy đủ điều này từ cách đây 3-4 năm, thì châu Âu đã có thể tránh được tình trạng khủng hoảng việc làm hiện nay. Tỷ lệ thất nghiệp cao tới 26% ở Tây Ban Nha càng làm dấy lên các mối quan ngại về nguy cơ khủng hoảng việc làm toàn cầu còn tiếp tục kéo dài, cho dù khủng hoảng tài chính có thể giảm. Trong năm 2012, thế giới đã mất 4 triệu việc làm, và trong năm 2013 số người thất nghiệp có thể tăng lên tới 5 triệu. Do đó, các thỏa thuận quốc tế cần tạo điều kiện cho những người lao động tìm kiếm việc làm.

Theo TTXVN/Vietnamplus