Người lao động thờ ơ với quyền lợi của chính mình

10/06/2014 08:31 AM


Biết quyền lợi của mình bị xâm phạm nhưng không khiếu nại, các giấy tờ liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình như HĐLĐ, bảng lương thì không thèm giữ… người lao động (NLĐ) đã vô tình gây thiệt hại cho chính bản thân mình.


“Tôi không biết đường tới các cơ quan chức năng, đường đến toà soạn báo, người sử dụng được email duy nhất của nhóm thì đã đi đâu nơi khác làm, người đứng đơn cũng không còn mặn mà nữa nên tôi cũng không tha thiết gì nữa”, anh Cự - nhân viên Cty bốc xếp, quận Bình Thạnh, TPHCM tỏ vẻ thờ ơ khi nói về việc anh và đồng nghiệp bị Cty cho nghỉ việc trái luật.

Đấu tranh nửa vời!

Anh Cự vào làm việc tại Cty nhiều năm nhưng không được Cty ký HĐLĐ, không được tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đau ốm tự chịu. Người mới vào cũng như người thâm niên chục năm, làm ngày nào tính lương ngày đó với mức lương công nhật là 140.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, Cty lại đặt ra rất nhiều quy định, mức phạt đối với công nhân (CN) của mình như nghỉ không phép thì trừ tiền, CN mới vào bị giữ lại một tháng lương đầu tiên, làm đủ 1 năm mới được nhận lại tháng lương này…

Không chịu được sự chèn ép của Cty, các CN đã ngừng việc phản đối. Sau khi cơ quan chức năng can thiệp, phân rõ đúng, sai, Cty gọi tất cả CN vào ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm. Điều đáng nói, các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN… Cty bắt CN phải tự trích lương đóng hết 100%, Cty không chi ra 1 xu khiến thu nhập của NLĐ giảm thê thảm. Nhận thấy việc Cty ký HĐLĐ 1 năm là không đúng pháp luật và việc bắt CN đóng 100% các khoản BHYT, BHXH, BHTN là sai nên nhiều CN không ký. Những CN không chịu ký HĐLĐ bị Cty cho nghỉ việc.

Đáng nói, CN phải đình công nhiều ngày liền thì các sai phạm của Cty mới bị cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu Cty giải quyết. Khi Cty giải quyết nửa vời, tiếp tục chèn ép NLĐ, quyền lợi của mình bị xâm nặng nề hơn thì lúc này CN lại tỏ ra khá thờ ơ. Thế nên, sau khi hẹn PV và luật sư nhiều lần để hỗ trợ pháp lý, các CN này đều không đến. “Có kiện thì cũng chỉ là “châu chấu đá xe”. Anh em chúng tôi đều là dân lao động tay chân, kiến thức pháp luật hạn hẹp, lại không biết đường đi nước bước nên có lẽ là từ bỏ. Đình công mấy ngày thì Cty mới chịu ký HĐLĐ nhưng tính ra mình còn thiệt thòi hơn lúc chưa ký, giờ đấu tranh nữa thì không biết quyền lợi anh em sẽ còn được gì”, anh Cự thở dài và khẳng định “sẽ nghỉ việc theo ý của Cty và coi như mình vừa bị cướp là xong!”.

Thua thiệt vì tính tùy tiện

Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Lao động và Đời sống, chị Ngọc Oanh - nhân viên Cty bảo vệ Phúc Thành, TPHCM cho biết, kể từ khi chị nghỉ việc, Cty không chịu thanh toán tiền lương những ngày chị làm việc. Khi PV liên hệ với Cty thì được Cty cho biết, chị Oanh đã tự ý nghỉ việc, bỏ mục tiêu, sau đó không liên hệ với Cty nên Cty chưa giải quyết tiền lương các ngày chị Oanh làm việc được.

“Lúc đó, đội trưởng đội bảo vệ bắt tôi trực đêm mấy ngày liên tiếp, tôi bức xúc nên nghỉ mà không báo về Cty. Khi Cty nhận tôi vào làm việc, Cty có đưa ra các điều khoản là khi nghỉ việc phải làm các thủ tục như trả lại đồng phục, phải báo về Cty để Cty sắp xếp người xuống thay thế bảo vệ mục tiêu nhưng những việc đó tôi đã không làm. Giờ lên Cty lấy tiền những ngày làm việc không biết có được giải quyết không?”, chị Ngọc Oanh lo lắng.

Chị Tuyền - nhân viên Cty CCB, có trụ sở ở Hà Nội, được luân chuyển vào TPHCM công tác đã 3 năm. Từ năm 2013, Cty thay đổi lãnh đạo. Giám đốc mới muốn chị nghỉ việc để đưa người khác thay thế nên hơn 1 năm qua, Cty đã tìm đủ mọi cách chèn ép như bắt chị Tuyền phải trích lương đóng 100% các khoản BHXH, BHYT, BHTN, tìm mọi cách từ chối việc chi trả các khoản công tác phí hoặc cản trở chị hoàn thành công việc được giao…

“Tôi phải kiện Cty để đòi lại quyền lợi”, chị Tuyền khẳng định. Điều oái ăm là khi được hỏi chị có bằng chứng gì về các sai phạm của Cty không thì chị lại ú ớ. “HĐLĐ tôi đã để mất trong mấy lần chuyển nhà, tiền lương thì ở ngoài Hà Nội có người ký nhận giúp rồi chuyển khoản vào nên tôi cũng không có kê lương chi tiết, việc Cty luôn làm khó dễ thì chỉ trao đổi qua điện thoại, không có email nào cả…”, chị Tuyền phân trần.

“Trường hợp chị Tuyền không có bất kỳ giấy tờ nào, nếu kiện ra tòa thì tòa sẽ yêu cầu phía Cty cung cấp. Và Cty thì hoàn toàn có thể trưng ra các giấy tờ có lợi cho họ, bất lợi cho mình. Mình cũng phải chấp nhận thôi”, luật sư Nguyễn Nam (TPHCM) cho biết.

Theo Báo Lao động