“Luật hóa” nghề giúp việc gia đình: Người lao động ít quan tâm

05/06/2014 07:35 AM


Nghị định 27 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về người giúp việc gia đình vừa được ban hành từ ngày 25-5, sau nhiều năm bàn thảo. Đây là tín hiệu tích cực làm sáng rõ mối quan hệ giữa bên người lao động - người giúp việc gia đình với bên sử dụng lao động - chủ hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nghị định khó đi vào đời sống.


Một bước tiến

Phải khẳng định một điều, Nghị định 27 ra đời là một bước tiến để nghề giúp việc gia đình vốn tự phát được quan tâm chặt chẽ, được "luật hóa”. Đồng thời, nghị định ra đời cũng chính thức công nhận giúp việc gia đình là một nghề. Theo bà Nelien Haspels, chuyên gia về giới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) châu Á – Thái Bình Dương, thì "Nghị định 27 là một bước tiến quan trọng bảo vệ những lao động giúp việc. Đây là một thông điệp khẳng định giúp việc gia đình là một nghề chuyên nghiệp, mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội”.

Theo điều tra của ILO, hiện ở Việt Nam, giúp việc gia đình đang ngày một tăng lên. Từ con số hơn 160.000 người vào năm 2008 và đến năm 2015 con số này có thể lên đến gần 250.000 người. Đây là một lực lượng lao động rất lớn nhưng hầu hết làm việc theo kiểu tự phát, không được đào tạo và có thể gặp rủi ro. Chính vì vậy, ông Phillip Hazelton - Cố vấn Trưởng Dự án Quan hệ Lao động của ILO đánh giá, Nghị định 27 là một bước tiến quan trọng bảo vệ những lao động giúp việc.

Người lao động ít quan tâm

Thói quen nhờ vả người thân quen, chỉ thỏa thuận miệng rồi "thích thì làm, không ưng lại bỏ” đã khiến nhiều người giúp việc gia đình tỏ ra dễ dãi và không mấy quan tâm đến Nghị định 27 vừa ban hành. Bà Phạm Thị Tình (55 tuổi, quê Phú Thọ) xuống Hà Nội làm gần chục năm nay, hết ở phố cổ Hàng Bè lại "trôi” xuống Hà Đông, hết chăm các cụ già ốm đau bệnh tật lại chăm trẻ nhỏ khi được chủ nhà đề nghị ký hợp đồng đã "giãy nảy” lên. Theo bà Tình, "có ký thêm cái hợp đồng cũng chẳng để làm gì. Cái nghề này mình cứ làm tốt ắt chủ cũng thương, cũng hiểu. Ký thêm cái hợp đồng lại phải ra phường, nhiêu khê lắm”. Còn theo chị Nguyễn Thị Mai (40 tuổi, giúp việc cho một gia đình ở tổ 8 Định Công, Hà Nội) thì việc ký hợp đồng loằng ngoằng lắm. "Hợp đồng ắt sẽ có điều khoản ràng buộc, mà mình đi giúp việc thế này cũng chỉ là theo thời vụ. Nếu chẳng may mình có việc đột xuất phải bỏ dở về, không đi làm nữa có khi lại bị phạt thì sao?”, chị Mai băn khoăn.

Nghị định 27 bắt đầu có hiệu lực, nhưng xem ra việc tuyên truyền đến người liên quan vẫn còn khá chậm và không hiệu quả. Rất nhiều người làm nghề giúp việc khi được hỏi về nghị định này đã trả lời "không biết”. Bà Nguyễn Thị Bình (55 tuổi, quê Thái Bình), đang giúp việc cho gia đình chị Thiên Hương ở B4 Thanh Xuân (Hà Nội) nói: "Tôi không biết gì về những quy định mới đối với người giúp việc. Quan trọng nhất với những người giúp việc nhà như tôi là gặp được chủ nhà dễ tính, vui vẻ, biết chia sẻ với chúng tôi là được. Chứ còn hợp đồng, bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội chúng tôi không quan tâm”.

Băn khoăn của người sử dụng lao động

Anh Bùi Hoàng Nam (16 Trần Hưng Đạo – Hà Nội) đã rất băn khoăn bởi anh thấy rất khó khả thi, nếu như tới đây Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan có liên quan không có những hướng dẫn thi hành cụ thể. Anh Nam ví dụ, hiện gia đình anh đang trả cho người giúp việc mức lương 3,5 triệu/tháng, chưa tính chi phí ăn ở, tàu xe khi về quê và tháng lương 13 dịp cuối năm. "Nếu phải ký hợp đồng, thì tôi phải trả thêm bảo hiểm xã hội với bảo hiểm y tế (khoảng 800.000đ) cho người giúp việc. Như vậy, tôi buộc phải hạ mức lương đang trả xuống thấp, chứ không thể vẫn trả 3,5 triệu lại còn đóng cả mấy thứ bảo hiểm nữa. Mà giảm lương, người lao động họ sẽ không đồng ý, thậm chí họ bỏ việc nhà tôi để chạy qua chỗ khác”.

Còn theo chị Nguyễn Tuyết Nhung ở tòa nhà N4C chung cư Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) lại rất lo lắng về quy định đã thành luật, đó là nếu ký hợp đồng, mỗi tuần người giúp việc gia đình có quyền nghỉ 1 ngày, đồng thời họ được nghỉ 12 ngày phép nguyên lương mỗi năm và nghỉ lễ, tết theo quy định. "Điều này gây khó cho những gia đình có trẻ nhỏ hoặc những gia đình có cha mẹ ốm đau nằm liệt giường”, chị Nhung nói.

Theo quy định mới, khi ký kết hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với người giúp việc, chủ nhà phải thông báo cho UBND phường, xã. Như vậy, trách nhiệm chính quản lý quan hệ lao động giữa chủ nhà và người giúp việc là UBND phường, xã. Có ý kiến cho rằng điều này đẩy thêm việc cho xã phường, liệu chính quyền cơ sở có đủ nhân lực để theo dõi, quản lý?

Theo Báo Đại đoàn kết