Mức sống của lao động nữ nhập cư tại KCN-KCX: Khó khăn chồng chất

06/12/2013 09:02 AM


Kết quả nghiên cứu mức sống lao động (LĐ) nữ nhập cư tại các khu công nghiệp - khu chế xuất hiện nay do Tổng LĐLĐVN và Tổ chức Action Aid Việt Nam công bố đã một lần nữa cho thấy, cuộc sống của họ khó khăn đang chồng thêm khó khăn. Nhiều nữ LĐ nhập cư đã muốn về lại quê hương, dù phải làm ruộng.


“Chắc lại về với đồng ruộng thôi”

10h30 sáng, tiếng khóc con trẻ vẫn văng vẳng tại tổ dân phố Kiên Thành (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Mỗi dãy nhà trọ ở đây đều có một vài nữ CN đang nghỉ ở nhà trông con. Chị Trần Thị Chung - quê Thanh Hóa, người từng làm cho Cty may chăn, ga, gối - vừa đưa võng ru cậu con trai 14 tháng tuổi vừa kể, ra Hà Nội làm CN được 2 năm thì sinh con trai thứ hai. Hết thời gian nghỉ sinh, đi làm lại, nhưng con ốm đau liên miên, xin nghỉ nhiều thì Cty không cho, đành nghỉ hẳn. Nhưng khổ nỗi, Cty nói đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì phải báo trước 45 ngày, mà suốt ngày trong viện chăm con nên Chung không thể gửi đơn. Khi đã nghỉ hẳn, đến Cty xin lấy sổ bảo hiểm thì Cty yêu cầu nộp phạt hơn 3 triệu đồng mới trả sổ. Giờ, tất cà chi tiêu của gia đình trông vào 6 triệu đồng thu nhập của chồng. Nhiều khi bữa cơm chỉ có rau nhưng 2 vợ chồng vẫn nghĩ phải tiết kiệm hơn nữa, vì 1 tháng đã phải chi 600.000đ phòng trọ 5m2, 700.000đ tiền điện, nước, 1 triệu đồng tiền sữa cho con. Khi được hỏi lúc nào thì trở lại làm việc, Chung cười buồn: "Chắc em lại về quê thôi, vì đứa đầu gửi ông bà nội đã lên 7 tuổi; về đấy, không có xưởng may thì làm ruộng cũng được".

Sát vách phòng trọ của Chung là phòng trọ của mẹ con bà Phan Thị Thủy, quê Yên Thành, Nghệ An. Bà Thủy hơn 50 tuổi, thương con vất vả nên bà ra Hà Nội trông cháu. Bà định ngày 15 tháng 11 âm này về quê lo gieo cấy, nhưng con bà - đang làm CN ở Hưng Yên - bảo mẹ về con lại tốn 2 triệu đồng/tháng gửi cháu ở nhà trẻ tư. Tại Kiên Thành có hơn 600 CNLĐ làm việc cho KCN Phố Thụy, KCN Sài Đồng B, một số Cty ở Hưng Yên đang ở trọ. Nhiều nữ CN trọ tại đây có trình độ cao đẳng, thậm chí cả đại học, nhưng vì không xin được việc nên làm CN. Dịu - mới tốt nghiệp đại học ngành công nghệ sinh học tháng 9 vừa qua - chưa xin được việc nên làm CN thời vụ cho Cty TNHH KTC Hà Nội. Dịu muốn ở lại Hà Nội nên xác định sẽ đi làm CN lâu dài, vì không thể xin được việc đúng ngành học. Còn Mai Thị Dung - CN Cty Sumi Hanel - thì có trong tay bằng kế toán, đang nuôi con 11 tháng tuổi. Vì không xin được việc đúng ngành nên Dung quyết định làm CN, tháng 4 triệu đồng còn hơn không có thu nhập. Tuần trước, cạnh nhà trọ mở quán bia, tuyển kế toán – đúng ngành học nhưng lương chỉ 1,5 triệu, nên dù thích song Dung vẫn phải trở lại làm CN. Trong những phòng trọ của các nữ CN hoàn toàn không có phương tiện nghe nhìn nào ngoài… điện thoại để nghe đài. Họ không có sách báo, không có cơ hội tham gia văn nghệ, thể thao. Họ chỉ sống với 4 bức tường và nỗi lo chi phí cuộc sống, mà trong đó ai cũng phải trả 3.000đ/kWh điện; 25.000-30.000đ tiền nước giếng khoan/tháng…

Chỉ 2% được ở nhà của DN

Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2013, Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN đã phối hợp Tổ chức Action Aid Việt Nam tiến hành khảo sát tại 50 DN thuộc 7 tỉnh, TP tập trung đông KCN là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Thanh Hóa. Nghiên cứu được thực hiện với 50 mẫu điều tra cho người sử dụng LĐ, 950 mẫu phiếu điều tra dành cho NLĐ, trong đó có 520/661 LĐ nhập cư là LĐ nữ. Một trong những đặc điểm của LĐ nữ nhập cư là số phải thuê nhà trọ hoặc ở nhờ nhà người thân chiếm tỉ lệ cao, lên tới 70,8% và chỉ có 2% được ở nhà của DN, 28,8% ở nhà riêng. LĐ nữ nhập cư phải thuê nhà trọ chiếm tỉ lệ cao gấp 9 lần LĐ nữ địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng LĐ nữ nhập cư phải chi thêm các khoản tiền liên quan đến thuê nhà, điện, nước, mà tiền điện, nước luôn phải chịu giá cao hơn giá quy định. Tất cả các chi phí này đều tác động trực tiếp tới mức sống của LĐ nữ nhập cư trong các KCN.

Từ kết quả khảo sát, một con số được công bố: Chi phí thuê nhà chiếm tỉ lệ đáng kể, từ 1/5 đến 1/8 trong tiền lương; mức chi cho ăn uống bình quân của LĐ nữ nhập cư là 1,7 triệu đồng/người/tháng. 88,8% LĐ nữ nhập cư phải làm thêm để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Hiện thu nhập thực tế của đa số LĐ nữ nhập cư còn quá thấp, không đủ để trang trải các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. LĐ nữ nhập cư có thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm tỉ lệ 31,3% và tỉ lệ thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng chỉ khoảng 2%. Trong số 66,9% số LĐ nữ nhập cư trả lời đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì có tới 33,8% số bà mẹ phải gửi con vào nhà trẻ tư nhân, 25% gửi về quê nhờ ông bà trông giúp…Viện CN&CĐ (Tổng LĐLĐVN) cũng đưa ra số liệu chi phí cho mức sống tối thiểu của 1 NLĐ và nuôi 1 con tại vùng I là 3,881 triệu đồng/tháng; 3,202 triệu đồng/tháng vùng II; 2,830 triệu đồng/tháng vùng III và 2,286 triệu đồng/tháng vùng IV. Những chi tiêu nói trên khiến có tới 30% số LĐ nữ nhập cư chỉ có thể gửi dưới 500.000đ/tháng về quê.

Đã có những khuyến nghị đối với các ngành, các cấp liên quan về ổn định, tăng thu nhập; cải thiện điều kiện LĐ, điều kiện sống cho NLĐ; thực hiện tốt chính sách… thì cũng có những khuyến nghị với chính NLĐ, nhất là LĐ nữ nhập cư. Đó là cần tìm hiểu kỹ ngành SX, công việc sẽ đảm nhiệm trước khi đến làm việc tại các KCN-KCX; nắm được yêu cầu, điều kiện công việc, quyền và nghĩa vụ trong HĐLĐ; tham gia các hoạt động nữ công, CĐ để được bảo vệ những lợi ích hợp pháp, chính đáng. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: "LĐ nữ nói chung và LĐ nữ nhập cư nói riêng đang làm việc tại các KCN-KCX là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ CNLĐ đang làm việc trong các loại hình DN ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, họ đã và đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Những bất cập trong vấn đề tiền lương, thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh quy hoạch và phát triển các KCN-KCX không đồng bộ, thiếu đầu tư đúng mức vào các khu dân sinh ngoài KCN-KCX, dẫn đến nhiều vấn đề xã hội bức xúc của LĐ ngoài hàng rào KCN".

Theo NLĐO