Cơ hội xóa bỏ sự chênh lệch về y tế trên thế giới

06/12/2013 08:05 AM


Sự chênh lệch về y tế giữa các nước giàu và nghèo có thể được xóa bỏ trong một thế hệ nếu tập trung đầu tư cho nghiên cứu, vắcxin và thuốc để điều trị những căn bệnh như AIDS, sốt rét và lao.


Báo cáo này khuyến nghị các nhà lãnh đạo thế giới nên tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển các loại thuốc, vắcxin và công nghệ y tế mới. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho một số lĩnh vực chủ chốt, bao gồm việc tăng cường các loại thuốc hiện hành và thuốc mới, chính sách đối với HIV và AIDS, bệnh lao, sốt rét, những bệnh nhiệt đới chưa được quan tâm đúng mức và sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ngoài ra, thực hiện những biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ trong y tế cộng đồng, như tăng thuế đối với thuốc lá và các chất có hại cho sức khỏe khác như rượu, bia và đường. Nếu các quốc gia thực hiện những khuyến nghị nêu trong báo cáo, riêng trong năm 2035, ước tính khoảng 10 triệu người có thể được cứu sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Đây sẽ là bước tiến mang lại nhiều lợi ích lớn về kinh tế và xã hội đối với các quốc gia. Để thực hiện mục tiêu này, đầu tư cho R&D của thế giới hàng năm cần tăng ít nhất là gấp đôi so với hiện nay, từ khoảng 3 tỷ USD lên 6 tỷ USD vào năm 2020. Theo ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và hiện là đồng chủ tịch Ủy ban Y tế thế giới, với việc có sẵn các loại thuốc và vắcxin hiệu quả hiện nay, con người hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu trên. Còn, ông Richard Horton, một trong những tác giả của báo cáo, cho rằng thế giới nên nhìn nhận rằng đầu tư cho y tế cũng chính là đầu tư cho thịnh vượng, bảo vệ xã hội và tài chính, cũng như an ninh quốc gia.

FAO kêu gọi Mỹ Latinh thúc đẩy chống đói nghèo

Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) lên tiếng kêu gọi các nước Mỹ Latinh thúc đẩy chính sách chống đói nghèo trong bối cảnh mặc dù đã giảm được hơn một nửa số trẻ em bị mắc bệnh suy dinh dưỡng mãn tính trong hai thập kỷ qua, song đến nay khu vực Mỹ Latinh và Caribbean vẫn còn khoảng 6,9 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng. Trung Mỹ là nơi có tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cao nhất cả khu vực, với 18,6%, tiếp đến là Nam Mỹ (11,5%) và Caribbean (6,7%). Guatemala là quốc gia có số lượng trẻ em mắc bệnh suy dinh dưỡng mãn tính cao nhất với tỷ lệ lên tới 48%, xếp tiếp theo là hai nước Haiti và Honduras với khoảng 30%. Chile và Jamaica là các nước có tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thấp nhất với chỉ vẻn vẹn 2,5%. Số lượng người bị đói trong khu vực hiện vào khoảng 47 triệu, trong đó tập trung chủ yếu tại các nước Haiti (48%), Guatemala (30,5%) và Paraguay (22,3%).

Argentina, Chile, Mexico, Venezuela, Barbados, Cuba và Dominica là các quốc gia đã đạt được mục tiêu xóa đói toàn diện với tỷ lệ dưới 5%. Đại diện của FAO tại Mỹ Latinh, ông Raul Benitez khẳng định đây là khu vực có bước tiến mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến xóa đói trên toàn cầu và đang từng bước hướng tới việc đạt mục tiêu Thiên niên kỷ, đồng thời kêu gọi các nước này cần phải tiếp tục phát huy và mở rộng các chính sách nhằm xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đói nghèo. Tuy nhiên, ông Benitez cũng cảnh báo tình trạng thừa cân và béo phí ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong những năm gần đây. Theo báo cáo năm 2013, tình trạng thừa cân đang ảnh hưởng tới khoảng 23% người lớn và 7% trẻ em khu vực. Ngoài ra còn có khoảng 3,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh béo phì, đặc biệt là tại các nước Nam Mỹ gồm Argentina, Chile, Peru và Venezuela.

Theo KT&ĐT, TTXVN/Vietnamplus