Lao động nước ngoài tại Việt Nam: Bó tay trong quản lý?

15/04/2014 08:49 AM


Lao động nước ngoài không phép tràn lan trên các công trường Việt Nam đã và đang là vấn đề nhức nhối của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng như các bộ, ngành có liên quan từ nhiều năm nay. Dường như các cơ quan chức năng cũng như địa phương đang khá “lúng túng” trong việc quản lý, xử lý vấn đề này.


Một nhóm lao động người Trung Quốc tại Dự án Alumin Nhân Cơ. Ảnh: S.T

Dễ người

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2013 có khoảng 77.359 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong đó, số lao động đã được cấp phép là 40.529 người, không thuộc diện cấp phép là 5.500 người và chưa được cấp phép là 31.330 người. Tuy nhiên, chính bản thân cơ quan này cũng phải thừa nhận một thực tế, số lao động là người nước ngoài làm việc "chui” tại Việt Nam cao hơn con số đó rất nhiều. Hiện đang có hàng chục nghìn lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại các công trình xây dựng, nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu, tại nhiều tỉnh như Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, xi măng Ninh Bình… mà chưa được cấp phép.

Tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương “nóng” trong tình trạng lao động Trung Quốc làm việc trái phép. Năm 2013, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã xử phạt 3 nhà thầu (với số tiền 35 triệu đồng), buộc xuất cảnh lao động “chui” trước thời hạn 102 người. Tuy nhiên việc xử lý này không thấm vào đâu so với thực trạng đang diễn ra tràn lan tại địa phương này. Khi dự án Formosa triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều DN, nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu và kéo theo hàng nghìn lao động “chân tay” đi theo. Trong báo cáo ngày 19-3-2014 về tình hình lao động nước ngoài của Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng thì hiện nay ở Khu kinh tế Vũng Áng có 3.730 người nước ngoài, trong đó chỉ có 1.560 người được cấp giấy phép lao động, chủ yếu là người Trung Quốc. Còn lại phần lớn lao động Trung Quốc đều sang Việt Nam bằng đường du lịch và sau đó ở lại làm thuê. Tương tự, tại các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) có con số thống kê khoảng 230 lao động đang làm việc nhưng chưa được cấp phép và số lượng hoạt động chui hoàn toàn có thể lớn hơn thế.

Bên cạnh đó, các quy định về người nước ngoài làm việc ở DN FDI cũng chưa chặt chẽ dẫn tới hiện tượng người nước ngoài cư trú ngay trong văn phòng làm việc ở các khu công nghiệp để vừa giảm chi phí vừa né tránh được sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng địa phương. Nhiều người nước ngoài dùng hộ chiếu du lịch để làm việc trong các dự án. Số này chủ yếu là lao động phổ thông thuộc diện không khuyến khích, thậm chí họ còn lập xóm, phố ở một vài địa phương với nếp sinh hoạt khác biệt, nhiều khi xảy ra những xô xát với người địa phương và việc xử lý cũng rất khó khăn.

Khó ta

Trong khi hiện nay mỗi lao động Việt Nam được đưa ra nước ngoài làm việc phải đáp ứng rất nhiều loại giấy tờ, được tuyển chọn rất gắt gao, chất lượng lao động phải đáp ứng được hàng loạt các yêu cầu của nước sở tại, khi lao động chuyển sang làm việc cho chủ sử dụng khác cũng phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý. Phần lớn lao động ở đâu, làm gì cơ quan quản lý của họ đều biết và nắm rõ. Khó khăn ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào nên mỗi năm Việt Nam chỉ XK được gần 80.000 lao động.

Việc tuyển chọn và đưa lao động sang nước ngoài làm việc gặp không ít khó khăn cùng với đó là việc phải cạnh tranh với các lao động nước ngoài không phép tại những công trình xây dựng nằm ngay trên mảnh đất của chính mình đã đẩy lao động Việt Nam vào tình trạng thất nghiệp gia tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2013 tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng từ 1,81% - 1,9% so với năm 2012, đặc biệt là ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Tại bản báo cáo giải trình tình trạng khó kiểm soát người lao động nước ngoài làm việc không phép tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, cùng với sự tăng lên của tỉ lệ thất nghiệp của lao động Việt Nam là sự tăng lên của lực lượng lao động Trung Quốc dù không có chuyên môn nhưng lại “núp bóng” các chuyên gia, kỹ sư và nhận mức lương cao hơn lao động người Việt Nam.

Lúng túng trong quản lý

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, tại Việt Nam hiện tồn tại 3 loại lao động nước ngoài gồm: các dự án do nước ngoài trúng thầu; khách đi du lịch vào Việt Nam nhưng sau đó không có tiền, ở lại đi kiếm việc để sống; một số nhập cảnh chui vào Việt Nam. Số này vi phạm về cư trú, visa… quản lý rất khó khăn, trục xuất họ cũng khó, nhất là lao động từ các nước châu Phi, có những nước không có cơ quan đại diện ngoại giao.

Tồn tại đã lâu và có nhiều bất cập nhưng hiện việc xử lý lao động nước ngoài "chui” gặp rất nhiều khó khăn bởi hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ quản lý thị trường lao động, cấp phép cho lao động nước ngoài, còn chuyện thực thi thế nào và phải rà soát ngay từ đầu vào lại thuộc về cơ quan xuất nhập cảnh và ngành Công an. Khi người nước ngoài vào Việt Nam, họ có quyền đi lại, tạm trú ở bất cứ đâu, do đó, nếu không có sự phối hợp giữa các cơ quan, sự theo dõi sát sao của các địa phương thì rất khó cho việc quản lý họ. Vì vậy cho đến nay, vì thiếu sự phối hợp nên “quả bóng trách nhiệm” xem ra vẫn còn lơ lửng chưa thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào.

Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cũng đã phải thừa nhận có một số khó khăn trong việc quản lý lao động nước ngoài như việc kiểm tra các nhà thầu bởi số lượng lao động đông, luôn biến động xuất nhập cảnh liên tục, tạm trú tại nhiều nơi khác nhau nên khó kiểm soát. Trong Khu kinh tế Vũng Áng đang triển khai nhiều dự án có quy mô lớn, các đơn vị chủ đầu tư chỉ kiểm soát được số lượng nhà thầu chính mà chưa kiểm soát được hết các nhà thầu phụ, vì vậy việc quản lý các nhà thầu còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số nhà thầu đã được các địa phương khác cấp giấy chứng nhận đầu tư, tiến hành các thủ tục về lao động nước ngoài tại tỉnh, thành phố khác, khi thực hiện gói thầu tại Khu kinh tế Vũng Áng không khai báo danh sách người nước ngoài đã gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước. Lực lượng lao động “chui” này không chỉ gây mất trật tự an ninh xã hội mà còn khiến lao động Việt Nam phải chịu cảnh thất nghiệp trong khi những công trình xây dựng lại nằm ngay trên mảnh đất của chính mình và tạo công ăn việc làm cho những lao động nước ngoài không phép.

Việc số lao động nước ngoài tăng mạnh trong khi thủ tục pháp lý bị buông lỏng đã bộc lộ sự bất cập trong việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Theo ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nếu các cấp xã, cấp huyện làm đầy đủ, chặt chẽ theo đúng Luật Cư trú thì khó có thể phát sinh tình trạng lao động nước ngoài làm việc “chui” tại Việt Nam. Trên thực tế, chính quyền các địa phương đã không làm hết trách nhiệm của mình khi chỉ cần căn cứ theo Luật Cư trú thì những lao động nước ngoài thuộc diện phải có giấy phép lao động khi chưa hoàn thiện các thủ tục sẽ không được phép lao động tại Việt Nam.

Theo Báo Hải quan