Qua rồi thời nhân công giá rẻ

12/02/2014 09:10 AM


Đã qua rồi thời kỳ nhân công giá rẻ được coi là lợi thế của địa phương mà thay vào đó là nhu cầu về lao động có trình độ và chuyên môn cao.


Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế của địa phương

Đánh giá năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương năm 2013, ông Trịnh Minh Anh – Giám đốc Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới- cho rằng, mặc dù trở thành lựa chọn của khác nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, tuy nhiên, người lao động Việt Nam hiện tại chỉ đáp ứng ở mức trung bình so với yêu cầu của các DN, đặc biệt đối với các DN trong lĩnh vực công nghệ cao.

Trong nhóm các địa phương được đánh giá cao về chất lượng lao động, Vĩnh Phúc nổi lên là địa phương có lực lượng lao động được đánh giá tốt khi đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của công việc, trong khi Đồng Nai và Bình Dương lại ở vị trí đối ngược. Lao động của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ nhận được mức đánh giá trung bình. Các địa phương khác như Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng với các khu kinh tế trọng điểm cũng ở tình trạng tương tự với mức trung bình.

Mặc dù được đa số DN đánh giá cao, nhưng những dịch vụ hỗ trợ của Vĩnh Phúc chỉ đứng ở vị trí thứ 3, sau Bà Rịa – Vũng Tàu và Bắc Ninh. Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa là những địa phương đứng ở vị trí sau cùng, do thu hút lao động nhiều về các địa phương này không hẳn xuất phát từ chính sách lao động hấp dẫn của địa phương mà do sự xuất hiện của các dự án lớn (như Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa) hoặc từ lợi thế địa lý khi là đô thị vệ tinh của trung tâm kinh tế lớn.

Một trong những lý do thu hút nguồn lao động đổ dồn về các địa phương là sự kỳ vọng vào cơ chế tiền lương đãi ngộ, hỗ trợ nhà ở và các điều kiện khác như sức khỏe, y tế… DN Đồng Nai được đánh giá cao ở chính sách thưởng và đãi ngộ, DN Thanh Hóa được đánh giá tốt về đóng bảo hiểm y tế cho người lao động (70%) dân số toàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế. Người lao động Hà Nội đánh giá tốt cho DN địa phương về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, DN Hà Tĩnh được ghi nhận về hỗ trợ đi lại và chính sách ăn trưa tại DN…

Điểm đáng chú ý, chính sách cho vay vốn của doanh nghiệp dành cho người lao động lại đứng ở vị trí rất xa so với các đánh giá khác. Kết quả này dẫn đến tỷ lệ “nhảy việc” của người lao động tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh ở mức 25 – 30% (2012 – 2013) và trở thành tâm lý hiển nhiên trong tuyển dụng lao động.

Theo Báo Công thương