Năm 2013, cả nước xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động

13/03/2014 09:16 AM


Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) - cho biết năm 2013, cả nước xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 6.887 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 562 với 627 nạn nhân. Thiệt hại về vật chất do TNLĐ là hơn 78 tỉ đồng.


Có đến 59% vụ tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động không bảo đảm an toàn lao động; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện cho người lao động.

Số người chết vẫn tăng

Các số liệu thống kê cho thấy số vụ TNLĐ chết người và số người chết năm 2013 cao hơn năm 2012; số lao động nữ bị TNLĐ cũng tăng 25,3%. Những địa phương xảy ra TNLĐ với số người chết nhiều nhất là TP HCM (822 vụ, 92 người chết), TP Hà Nội (126 vụ, 44 người chết). Tiếp theo là các tỉnh, TP: Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Nghệ An. Theo Bộ LĐ-TB-XH, tại 10 tỉnh, TP nêu trên, số người chết vì TNLĐ chiếm tới 49% của cả nước. Đơn cử là vụ tai nạn sập giàn giáo xảy ra đêm 11/1/2013 tại công trình cầu Sông Tranh (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) làm 3 người chết; vụ TNLĐ làm chết 3 người và bị thương nặng 1 người do sạt lở tại mỏ đá của Công ty Sông Mã ở xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 7/6/2013.

Tại Quảng Ninh, nổi cộm là vụ ngạt khí xảy ra ngày 31/7/2013 khiến 3 người chết ở vỉa than 643 của Công ty Than Đồng Vông; vụ trật toa xe khỏi đường ray làm 3 người chết, 4 người bị thương tại Công ty CP Than Vàng Danh (cả 2 công ty đều thuộc Vinacomin). Đáng chú ý, tại đồng bằng sông Cửu Long, năm 2013 đã xảy ra 2 vụ tai nạn do ngạt khí làm chết cùng lúc nhiều người. Một vụ xảy ra tại nhà máy tinh luyện dầu của Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) làm 6 người chết. Vụ còn lại xảy ra tại Công ty Việt Nam Chitin (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) làm chết 4 người.

Xử lý quá nhẹ

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tiến độ điều tra các vụ TNLĐ chết người vẫn còn rất chậm; việc báo cáo cũng không đầy đủ. Trong 562 vụ tai nạn chết người xảy ra trong năm 2013, bộ mới nhận được biên bản điều tra 175 vụ. Về nguyên nhân gây ra TNLĐ chết người, có đến 59% vụ là do người sử dụng lao động không bảo đảm an toàn lao động; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động. Ngoài ra, 26% nguyên nhân do người lao động vi phạm quy trình, quy phạm an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Đáng nói là trong năm 2013, chỉ có 5,3% doanh nghiệp báo cáo tình hình TNLĐ. Ngoài ra, nhiều vụ tai nạn xảy ra trong khai thác khoáng sản của tư nhân, trong các công trình xây dựng nhà ở dân dụng chưa được thống kê, báo cáo, điều tra. Đặc biệt, chỉ có 3/562 vụ TNLĐ chết người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý trách nhiệm trong các vụ TNLĐ còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Điều đó khiến nhiều người băn khoăn vì không có gì bảo đảm rằng số vụ TNLĐ chết người năm sau không cao hơn năm trước.

Lĩnh vực xây dựng dẫn đầu số vụ chết người

Phân tích biên bản điều tra TNLĐ chết người gửi về Bộ LĐ-TB&XH cho thấy để xảy ra TNLĐ nhiều nhất là các công ty cổ phần (chiếm 34,3% số vụ tai nạn chết người và 31,7% số người chết). Tiếp đến là loại hình công ty TNHH (chiếm 28% số vụ tai nạn chết người và 26% số người chết). Về lĩnh vực để xảy ra TNLĐ chết người, xây dựng chiếm đến 28,6% tổng số vụ và 26,5% số người chết; khai thác khoáng sản chiếm 15,4% số vụ và 14,3% số người chết.

Tai nạn lao động gây thiệt hại hơn 78 tỉ đồng

Bộ LĐ-TB&XH cho biết năm 2013, cả nước xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 6.887 người bị nạn, trong đó có 562 người chết. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 78,12 tỉ đồng, trong đó về vật chất là 71,85 tỉ đồng. So với năm 2012, TNLĐ giảm 81 vụ, số nạn nhân giảm 80 người nhưng trường hợp tử vong lại tăng 21 người. Tỉnh Đồng Nai là địa phương xảy ra TNLĐ nhiều nhất với 1.691 vụ, kế đến là TP HCM với 822 vụ.  Lĩnh vực xây dựng xảy ra TNLĐ chết người nhiều nhất, chiếm 28,6%. Nguyên nhân TNLĐ chủ yếu là do người sử dụng lao động (chiếm tỉ lệ 59%). Năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm về an toàn lao động tại các doanh nghiệp; nâng cao ý thức tuân thủ nội quy, quy định về an toàn lao động cho công nhân.

Theo NLĐO