Giám sát công tác quản lý và sử dụng Quỹ BHXH

23/04/2013 03:37 AM


Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 5, chiều ngày 16/4, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội có buổi thảo luận đánh giá về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2012. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chủ trì buổi họp.


Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội họp đánh giá thảo luận về Quỹ BHXH

Tại buổi họp, đồng chí Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ TB-XH báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2012. Cụ thể đến cuối năm 2012 có khoảng hơn 10,577 triệu người tham gia BHXH (tăng 3,3 % so với năm 2011); trong đó có 10,437 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 8,3 triệu người tham gia BHTN; 0,14 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Có khoảng 2,612 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng, tăng 4,9% so với năm 2011; 461.294 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 104,9% so với năm 2011. Tổng số thu BHXH ước đạt 97.799 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2011; tổng số chi ước đạt khoảng hơn 99.949 tỷ đồng (chi BHXH bắt buộc là 97.269 tỷ đồng; chi BHXH tự nguyện là 55 tỷ đồng; chi bảo hiểm thất nghiệp 2.625 tỷ đồng. Tổng số dư quỹ BHXH đến cuối năm 2012 ước đạt hơn 220.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2011.

Về hoạt động đầu tư quỹ, trong năm 2012 Quỹ BHXH tiếp tục được đầu tư theo các hạng mục được quy định tại Luật BHXH: mua trái phiếu Chính phủ (chiếm 18,25%); cho ngân sách nhà nước vay (55,2%); cho các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Phát triển Việt nam và Ngân hàng chính sách xã hội vay (25%); cho vay đầu tư xây dựng thủy điện Lai Châu (1,6%). Tổng số tiền sinh lời thu được trong năm 2012 tăng 25% so với năm 2011.

Trước tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, gây thất thu nghiêm trọng cho Quỹ, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật BHXH tiếp tục được tăng cường. Trong năm 2012, Thanh tra chuyên ngành BHXH đã tiến hành thanh tra một số đơn vị sử dụng lao động tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Sơn La. Bộ LĐ TB – XH cũng tổ chức 3 Đoàn kiểm tra về thực hiện BHXH tại 9 tỉnh, thành phố (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An). Qua việc thanh tra tại 7 tỉnh, thành phố, thanh tra lao động đã phát hiện trên 1.700 trường hợp làm giả, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện (tại thành phố Hà Nội phát hiện khoảng 700 trường hợp, Bình Dương 350 trường hợp, Đồng Nai gần 500 trường hợp…).

Bên cạnh đó, để tăng tính tuân thủ pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động, công tác tuyên truyền được BHXH Việt Nam chủ động thực hiện, phối hợp chặt với các Bộ LĐ TB – XH, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng nhiều cơ quan báo chí thông tấn khác…Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2009-2012 đã được thực hiện giai đoạn 1; giai đoạn 2 của Đề án cũng đang được tiến hành triển khai.

Những hạn chế còn tồn tại cũng được nêu ra trong báo cáo như: tốc độ phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn chậm, thấp hơn so với tốc độ tăng số đối tượng thụ hưởng. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp vẫn diễn ra; mức xử phạt còn thấp; sự phối hợp các cơ quan, ban ngành trong thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH còn hạn chế…

Một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH cũng được thứ trưởng Phạm Minh Huân trình bày tại cuộc họp như: kiến nghị phân định rõ chức năng nhiệm vụ từng cơ quan trong thực hiện quản lý nhà nước về BHXH, quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ LĐ TB-XH, Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân các cấp; sửa đổi quy định về nhận sổ BHXH của người lao động khi không còn làm việc.

Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu tham dự Hội nghị về công tác đảm bảo an toàn quỹ BHXH  như phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH, giải pháp giảm tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp, vấn đề thống kê số doanh nghiệp, số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; hiệu quả của công tác thanh tra kiểm tra…, đồng chí Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nêu rõ: việc phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Hiện nay chưa có quy định về việc bố trí được đại lý thu BHXH tại các xã (hiện mới chỉ có đại lý thu BHYT), dẫn đến hạn chế trong công tác tuyên truyền cũng như mở rộng BHXH tự nguyện. Việc thống kê số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc cũng rất khó, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư (chịu trách nhiệm cấp phép kinh doanh), Bộ LĐ TB-XH, ngành Thuế… Công tác thanh tra, kiểm tra dù đã được tăng cường song cơ bản vẫn còn hạn chế do nhân lực thanh tra của Bộ LĐ TB-XH mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. BHXH Việt Nam chỉ có chức năng kiểm tra, hiệu quả tác động không cao do không có quyền xử phạt. Để giảm tình trạng trốn đóng BHXH và thu hồi nợ BHXH  kéo dài , BHXH các tỉnh thành, phố đã khởi kiện nhiều doanh nghiệp nợ BHXH ra toà. Tuy nhiên việc thu hồi nợ khi thi hành án cũng không dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp đã phá sản, ngừng hoạt động.

Những hạn chế nói trên dẫn đến việc thực hiện công tác thu BHXH gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng đến đến số thu hàng năm. Để giải quyết tháo gỡ những hạn chế nói trên, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên vẫn cần sự phối hợp tích cực hơn từ các Bộ, ngành, và các tổ chức đoàn thể trong công tác kiểm tra, thanh tra, công tác tuyên truyền…

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của Bộ LĐ TB-XH, BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chính sách BHXH năm 2012. Những kết quả cụ thể như tăng số đối tượng tham gia, giảm số nợ đọng; công tác thu, chi và quản lý quỹ thực hiện đúng quy định đảm bảo an toàn quỹ BHXH…là rất đáng ghi nhận.Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu nhiều áp lực từ khủng hoảng suy thoái, việc chính sách BHXH được thực hiện có hiệu quả là điều đáng mừng. Khó khăn của nền kinh tế sẽ có thể vẫn kéo dài, do đó công tác thu BHXH chắc chắn sẽ gặp thách thức nhiều hơn, cần sự nỗ lực hơn nữa của Bộ LĐ TB-XH và BHXH Việt Nam. Công tác thu phải được đẩy mạnh. Sự phối hợp giữa BHXH Việt Nam với Bộ LĐ-TB XH cũng như các cấp chính quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra giảm nợ đọng cần có sự chặt chẽ đồng bộ hơn. Đây cũng là những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và cần phải được tăng cường thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí Trương Thị Mai cũng ghi nhận những kiến nghị của Bộ LĐ TB-XH, BHXH Việt Nam và ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội thảo luận, sửa đổi luật BHXH theo hướng tích cực, đảm bảo an toàn dài hạn cho quỹ BHXH,  tạo điều kiện cho người dân tham gia BHXH nhiều hơn.

Nguồn TC BHXH