Thất nghiệp: Cử nhân làm công nhân, thạc sĩ thành nội trợ

23/04/2013 02:28 AM


Không ít cử nhân Đại học về quê đi làm công nhân sau khi đầu hàng cuộc chiến xin việc.


Tốt nghiệp Đại học, về quê làm công nhân

4 tháng trước chị Quỳnh (Hà Đông, Hà Nội) mới tìm được một công việc mới sau gần một năm thất nghiệp. Tuy nhiên, công ty mới cũng chậm lương 3 tháng nay khiến chị chẳng những không dành dụm được đồng nào gửi về quê nuôi con mà cuộc sống của bản thân cũng hết sức chật vật. Là dân công trình nên cũng gần một năm nay, thu nhập của chồng chị Quỳnh cũng không ổn định. Hơn một năm chật vật với bài toán xin việc và thu nhập để tồn tại ở Hà Nội, giờ đây cảm thấy rất mệt mỏi và bế tắc, vì thế chị quyết định nộp một số hồ sơ xin về quê, trong đó có cả việc làm công nhân ở một khu công nghiệp gần nhà: "Làm công nhân ở quê, lương chỉ trên dưới 3 triệu nhưng không mất tiền thuê nhà, chi tiêu lại rẻ hơn và được ở gần con. Làm một thời gian cố gắng biết đâu lại được lên làm quản lý. Mình đã tốt nghiệp đại học nên chắc cũng có cơ hội hơn".

Làm việc tại một công ty tư nhân tại Hà Nội, chị Thoa, đang ở trọ khu vực Từ Liêm cho biết cũng bị nợ lương suốt từ tháng 9/2012. Tết Nguyên đán vừa rồi, công ty ứng cho 3 triệu đồng. Từ sau Tết, chị Thoa không được trả thêm đồng nào: "Thời buổi khó khăn thế này, để tìm được một công việc mới cũng không đơn giản. Mấy nơi mình đi phỏng vấn, nhân viên ở đó cũng kêu công ty nợ lương". Anh Tiến, chồng chị Thoa cũng bị cắt giảm một nửa lương, chỉ còn 5 triệu đồng mỗi tháng. Để có tiền trang trải sinh hoạt, chị làm thêm công việc bán hàng qua mạng, anh thì giao hàng cho vợ, kiêm thêm nghề xe ôm. Việc bán hàng cũng không mấy suôn sẻ nên dù có chi ly từng đồng, 2 vợ chồng chị vẫn chẳng đủ tiêu. Quá khó khăn nên chị Thoa dự định tháng sau sẽ về quê xoay sở xin việc, còn anh Tiến thuê căn nhà nhỏ hơn ở cùng mấy người bạn để giảm chi phí: "Ở quê cũng chẳng dễ dàng gì để tìm công việc mới nhưng các khoản chi tiêu cũng đỡ tốn kém hơn. Nếu mình xin được việc ở quê thì một thời gian nữa chồng mình cũng tính chuyện rời Hà Nội".

Vẫn cố bám trụ thành phố, nhưng hiện cuộc sống hai vợ chồng chị Minh, Cổ Nhuế, Từ Liêm cũng không mấy sáng sủa. Chị tốt nghiệp một trường đại học ngành kinh tế. Anh Khoa - chồng chị có trong tay tấm bằng kỹ sư. Trước đây, chị đi làm cho một doanh nghiệp tư nhân nhưng khi sinh con vào giữa năm ngoái, công ty kêu khó khăn muốn cắt giảm biên chế nên buộc chị nghỉ. Cuộc sống gia đình chủ yếu trông cậy vào lương của anh Khoa, tuy nhiên, công ty cũng nợ lương suốt nửa năm nay, mỗi tháng chỉ có thể được ứng 1-2 triệu đồng. Để có tiền trang trải, chị làm thêm sổ sách kế toán tại nhà, bán hàng quần áo qua mạng... Thu nhập rất thất thường và cũng không đáng kể: "Không chỉ khó khăn về mặt tài chính mà điều nặng nề hơn với vợ chồng mình còn chịu áp lực từ phía 2 bên gia đình. Mọi người suốt ngày đàm tiếu là sao tốt nghiệp đại học mà giờ lại đi bán hàng. Nhiều lúc không dám về quê nữa".

Tình trạng doanh nghiệp nợ lương của người lao động từ lâu không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, nếu như trước đó, nhiều tình trạng này chỉ xảy ra ở một số ngành nghề như xây dựng, chứng khoán... thì gần đây, các lĩnh vực khác cũng không ngoại lệ. Thời gian nợ lương của các doanh nghiệp cũng kéo dài tới hàng năm. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2012, cả nước có hơn 10.000 lao động đang bị nợ lương. Tổng số tiền nợ lương hiện nay lên tới hơn 70,7 tỷ đồng. Trong đó, nhóm doanh nghiệp dân doanh nợ nhiều nhất với 50,5 tỷ đồng.

Thạc sĩ thất nghiệp ở nhà làm nội trợ

Tốt nghiệp đại học, chờ mãi không xin được việc làm, Liên lại thi cao học. Hoàn thành chương trình thạc sĩ, cô vẫn chưa tìm được việc nên đành lên xe hoa, về làm nội tướng cho nhà chồng. Liên kể, ở quê nhà Thiệu Hóa (Thanh Hóa) rất buồn chán, con gái lại có thì nên khi có người đến hỏi cưới, cô đành chấp nhận ở nhà sinh con, làm nội trợ, bỏ tấm bằng cao học mốc meo trong tủ. Liên chỉ là một trong hàng chục nghìn thạc sĩ, cử nhân của tỉnh Thanh Hóa đang không xin được việc làm. Như trường hợp của Văn (quê Tĩnh Gia) từng là sinh viên xuất sắc của ĐH Hồng Đức, được cử đi thi Olympic Toán quốc gia. Năm 2008 ra trường, Văn đi xin việc khắp nơi nhưng đành thất vọng ngồi nhà. Buồn chán, chàng cử nhân nộp hồ sơ đi học cao học và hoàn thành chương trình vào năm 2011. Hơn 2 năm qua, Văn phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề, từ gia sư đến bán sim điện thoại. Mới đây, Văn xin được vào dạy hợp đồng ngắn hạn cho một trường cấp 3 với mức thù lao ít ỏi, không bảo hiểm và chẳng thấy tương lai: “Nhà có 3 anh em, bố mất từ năm em học lớp 4. Thương mẹ, em cố gắng học giỏi. Nhưng 5 năm trôi qua, em vẫn chưa làm được gì. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, khi đi học, mẹ đều vay mượn hết, giờ còn trả chưa hết nợ”.

Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng với tấm bằng loại khá, Huyền (Hoằng Hóa) đang làm thu ngân cho một cửa hàng ăn uống: “Khi thi vào ngành này, em cứ nghĩ nếu không xin vào ngân hàng nhà nước thì có thể xin vào tư nhân. Nhưng thật sự không đơn giản. Mỗi đợt tuyển dụng có hàng trăm hồ sơ, song chỉ lấy vài chỉ tiêu nên 2 năm đằng đẵng đi thi vào các ngân hàng mà em vẫn chưa được vào”. Huyền cho biết, không riêng gì cô mà rất nhiều bạn học cùng khóa cũng không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Để gỡ bí, có người chấp nhận đi bán xăng, có người làm thu ngân, thêu tranh, phần đông vào miền Nam làm công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có gần 25.000 học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm. Trong đó trình độ đại học và trên đại học là hơn 5.700, cao đẳng hơn 6.800, trung học chuyên nghiệp 6.000, còn lại là hệ cao đẳng và trung cấp nghề. Các ngành có số sinh viên không tìm được việc nhiều nhất là sư phạm với trên 3.700, kế đó là công nghệ thông tin với 3.650, sau đó là kinh tế, quản trị kinh doanh, nông lâm ngư nghiệp… Số sinh viên thất nghiệp phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng ven biển như Hoằng Hóa có tới hơn 2.800; Hậu Lộc 2.100; các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Quan Sơn… mỗi huyện có trên một nghìn sinh viên. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến số sinh viên thất nghiệp nhiều như hiện nay là khâu đào tạo mở rộng quá lớn. Ngoài ra, Thanh Hóa còn hơn 44.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó hệ đại học chính quy có trên 19.000, liên thông có hơn 4.000, trung cấp chuyên nghiệp chính quy có hơn 14.000!

Theo 24h.com.vn, VNN