Bám sát thực tế để hỗ trợ người lao động

16/04/2013 09:27 AM


Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay ở một số địa phương trong cả nước đã bước đầu hình thành những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Tuy nhiên, sau 3 năm, Đề án cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại cần tháo gỡ...


Một lớp học nghề mây tre đan ở xã Xuân Hội (Tiên Du, Bắc Ninh)

Đề án 1956 với mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng hơn 10 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề và tối thiểu 70% trong số đó có việc làm. Đề án có tổng kinh phí dự kiến hơn 20 nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2010 đến 2020. Qua 3 năm triển khai cả nước đã có 1,8 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có hơn 74% lao động sau học nghề có việc làm, 339.000 hộ dân sau học nghề đã thoát nghèo…

Theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề): Trong 3 năm qua, nhiều cơ sở dạy nghề đã chủ động về các xã nắm nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để triển khai đào tạo. Nhiều mô hình dạy nghề đang được nhân rộng, số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng. Nhiều người sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, được đi xuất khẩu lao động hoặc được chuyển nghề... góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Ví dụ, tổ sản xuất sản phẩm từ đay, cói, bẹ chuối của chị Nguyễn Thị Trang ở xóm 17, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định tạo việc làm cho 15 lao động làm tại xưởng và 8 lao động nhận hàng về làm gia công tại nhà (thu nhập của lao động 35.000-40.000 đồng/người/ngày). Hay mô hình đào tạo theo nhu cầu tại tỉnh Hưng Yên cũng đã cho những kết quả cao. Chỉ trong vòng hai năm, Hưng Yên đã tổ chức được 370 lớp đào tạo sơ cấp nghề, trong đó có 70 lớp bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp; 12 lớp về làng nghề và 287 lớp đào tạo về công nghiệp-dịch vụ. Tổng số người được đào tạo là 10.957 người, trong đó nhóm lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách, lao động bị thu hồi đất, người tàn tật là 2.216 người; nhóm lao động thuộc hộ cận nghèo là 558 người. Tỷ lệ tạo việc làm sau đào tạo hơn 80%...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn khá nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể là, một số địa phương vẫn chỉ “đánh trống ghi tên”, cử người già, hưu trí đi đăng ký học để “trục lợi” và lấy thành tích. Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân ở nhiều nơi, người lao động học nghề xong, làm ra sản phẩm nhưng không tìm được đầu ra. Hệ quả là nhiều người đã phải bỏ nghề đã học, quay lại với nghề cũ... Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa thật đầy đủ. Thêm vào đó, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở một số tỉnh, thành phố vẫn chưa xác định được chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho công tác này và chưa quan tâm đầu tư đúng mức; thiếu chính sách cụ thể để huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB và XH Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh: Trong thời gian tới cần tăng chất lượng cũng như số lượng tuyển sinh đầu vào. Ngoài ra cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có cái nhìn đúng hơn về học nghề, ý thức được việc làm nghề cũng là đóng góp cho xã hội bằng năng lực của mình. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cũng cần phải làm chắc chắn hơn, tập trung vào quản lý chất lượng đào tạo, tránh tràn lan. Cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát thực hiện Đề án; trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề và tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.

Theo Báo QĐND