Xử lý nghiêm những doanh nghiệp nợ đọng BHXH

09/04/2013 09:43 AM


Sáng 5/4, Bộ trưởng Bộ LĐ-TH&XH Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Bộ trưởng đã trao đổi, giải đáp các vấn đề mà người dân, dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ LĐTB&XH như BHXH, việc làm, đào tạo dạy nghề, xuất khẩu lao động…


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Về vấn đề nợ đọng BHXH, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết nợ đọng BHXH gần đây rất lớn, nằm ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 40%, doanh nghiệp FDI là 14%. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân trong đó quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động, thậm chí có những doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng lại không đóng, dẫn đến việc khi người lao động đến thời gian được nghỉ, được hưởng chế độ thì mới biết doanh nghiệp chưa nộp. Sở dĩ chủ sử dụng lao động nợ đọng BHXH là từ chính sách, do mức phạt chậm đóng BHXH chỉ chiếm 10% nhưng nếu vay bên ngoài lãi suất lên đến 15-20%/năm, vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng. Theo Bộ trưởng, cần phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp này: “Chúng tôi đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý hành vi nợ đọng tiền BHXH mà người lao động đã đóng nhưng doanh nghiệp chưa đóng cho BHXH theo hướng hình sự”.

Liên quan đến chỉ tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2012, nhưng kết thúc năm, cả nước mới đưa được 80.000 lao động, Bộ trưởng Phạm Hải Chuyền cho biết thời gian qua, một số thị trường nhận lao động Việt Nam cũng có khó khăn về kinh tế nên việc tiếp nhận lao động hạn chế, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài ra, một số thị trường không còn hấp dẫn về thu nhập ví dụ như Malaysia, thu nhập chỉ 8-10 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân thứ ba ảnh hưởng đến chỉ tiêu là tình trạng lao động ở lại Hàn Quốc. Năm 2011, chúng ta đưa 15.000 lao động sang thị trường này nhưng năm 2012 chúng ta chỉ đưa được 9.000 người. “Với những nguyên nhân trên đã tác động đến tổng thể mục tiêu đưa lao động ra ngoài nước của năm 2013” – Bộ trưởng thừa nhận - "Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, cũng có những tín hiệu tích cực nhất định như triển vọng đưa lao động là y tá, hộ lý sang Nhật Bản, Đức, hay một số thị trường Trung Đông".

Theo ĐCSVN, Chinhphu.vn