Đổi mới cơ chế tài chính y tế thông qua BHYT

09/04/2013 03:55 AM


Từng bước thực hiện việc chuyển đổi cơ chế cấp ngân sách nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh sang cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua BHYT nhằm đổi mới căn bản cơ chế tài chính y tế - một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 21-NQ/TW - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh trong phần trình bày dự thảo Kế hoạch của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 21.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Kế hoạch triển khai Nghị quyết 21 của BCS Đảng Bộ Y tế

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 cả nước đạt tỷ lệ trên 70 phần trăm, đến năm 2020 có trên 80 phần trăm dân số tham gia BHYT, 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 21 mà Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đưa ra giải quyết khá đồng bộ các vấn đề đang vướng mắc.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT tập trung vào nội dung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHYT trình Quốc hội vào năm 2014, có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người dân có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT, nâng cao hiệu quả sử dụng BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo.

Nhóm giải pháp tuyên truyền tập trung vào nội dung đổi mới và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức để huy động sự tham gia của hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT, triển khai thực hiện Luật BHYT. Công tác truyền thông, tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp, thông bản và khu phố.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT thông qua thực hiện đầu tư, mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở thông qua thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện, Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bác sỹ gia đình…

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHYT của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT cũng là một giải pháp được nhấn mạnh nhằm tăng tính nghiêm minh của pháp luật về BHYT.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BHYT; củng cố, nâng cao năng lực bộ máy thực hiện BHYT từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước diện đại hóa hệ thống quản lý BHYT cũng là giải pháp cần được tiến hành gấp rút nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý BHYT khi chúng ta từng bước chạm “đích” BHYT toàn dân.

Để thực hiện các nhóm giải pháp trên, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cũng đưa ra chương trình hoạt động hết sức cụ thể và thiết thực. Theo đó, trong quý II/2013, tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết 21 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong toàn Ngành Y tế; tổ chức biên soạn, in sách, tài liệu tuyên truyền về Nghị quyết; trong quý III/2013, tổ chức tọa đàm về Nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng; Quý IV hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại các địa phương, riêng trong năm 2013 này sẽ tổ chức kiểm tra việc triển khai Nghị quyết tại 08 tỉnh đại diện cho các khu vực: miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây chuyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ./.

Nguồn TC BHXH