Đức: Tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp 4 lần dự báo

31/05/2013 12:50 AM


Cuộc khủng hoảng nợ công của eurozone và một mùa đông dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu.


Theo số liệu vừa được chính phủ Đức công bố, đã có thêm 21.000 người thất nghiệp trong tháng 5. Đây là tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia dự báo của Bloomberg đưa ra con số tăng thêm là 5.000 người. GDP của Đức cũng chỉ tăng 0,1% trong quý I sau khi sụt giảm 0,7% trong 3 tháng trước đó. Nguyên nhân lớn nhất là eurozone – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức – vẫn chìm sâu trong suy thoái. Trong khi đó, lần đầu tiên kể từ tháng 2, niềm tin kinh doanh tăng điểm và niềm tin tiêu dùng có xu hướng sẽ chạm mốc cao nhất kể từ 2007 vào tháng 6 tới.

Tháng 5, xuất khẩu của Đức đã sụt giảm 1,8%. Puma – công ty sản xuất đồ thể thao lớn thứ 2 ở châu Âu – hôm 14/5 đã phải cắt giảm dự báo về doanh thu và lợi nhuận với lý do môi trường kinh doanh ở châu Âu ẩn chứa quá nhiều thử thách và doanh thu ở Trung Quốc gây thất vọng. Theo ông Frank-Juergen Weise, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đức, tháng 5 không phải là một tháng tốt lành đối với thị trường lao động Mỹ. Tuy nhiên, nhìn chung thì thị trường lao động nước này vẫn đang ở trong tình trạng tốt. Đức đang ở trong “bẫy thành công” bởi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp thị trường lao động tương đối ổn định. Do đó, khó có thể hi vọng thị trường lao động được này có được những bước tiến lớn.

Bồ Đào Nha: Giãn thu thuế, đẩy việc làm

Chính phủ Bồ Đào Nha vừa công bố các biện pháp giảm thuế nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm và từng bước phục hồi nền kinh tế vốn đang trì trệ của đất nước. Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar cho biết chính phủ sẽ giảm 20% thuế doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư nhằm tạo việc làm và khôi phục tăng trưởng kinh tế với khoản đầu tư lên tới 5 triệu euro (tương đương 6,5 triệu USD) trong nửa cuối năm nay. Để khuyến khích phát triển các công ty quy mô vừa và nhỏ thực hiện đầu tư trong năm 2013, chính phủ cũng đã lên kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% hiện nay xuống còn 7,5%.

Ông Gaspar nêu rõ "đây là thời điểm cho đầu tư", đồng thời nhấn mạnh "các biện pháp cắt giảm thuế chưa từng có tiền lệ này" cần khuyến khích tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ, hạn chế tình trạng thất nghiệp đã chạm mức kỷ lục 17,7 % tại nước này. Vấn đề việc làm hiện được xem là ưu tiên hàng đầu tại Bồ Đào Nha nói riêng và toàn châu Âu nói chung, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Dự báo kinh tế đất nước sẽ phục hồi chậm chạp trong năm 2013. Theo số liệu mới nhất, kinh tế Bồ Đào Nha sụt giảm 3,9% trong quý đầu tiên của năm nay và tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức cao 17,7%.

Tháng 5/2011, Liên minh châu Âu (EU) và Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF) cam kết dành cho Bồ Đào Nha gói cứu trợ vỡ nợ trị giá 78 tỷ euro (tương đương 101 tỷ USD). Đổi lại, Lisbon phải thực hiện một chương trình cải cách kéo dài 3 năm. Tháng 11/2012, Chính phủ liên hiệp theo đường lối trung hữu của Bồ Đào Nha đã thông qua ngân sách "thắt lưng buộc bụng" cho năm 2013, bị đánh giá là sẽ tác động đến mọi đối tượng do làm giảm thu nhập của người dân thông qua tăng thuế và giảm chi phí An sinh xã hội.

Theo aFamily, Chinhphu.vn