Điều trị HIV/AIDS từ nguồn Quỹ BHYT?

28/05/2013 03:36 AM


Thách thức về nguồn lực tài chính cho điều trị HIV/AIDS sẽ ngày càng lớn khi tới đây, các nhà tài trợ dự kiến sẽ cắt giảm các nguồn viện trợ do hạn hẹp về nguồn lực chung trên toàn cầu. Chi phí điều trị cho nhóm đối tượng này sẽ chuyển sang Quỹ BHYT ra theo lộ trình như thế nào, phạm vi ra sao cho phù hợp?... Đó là những nội dung được đặt ra tại hội thảo góp ý dự thảo “Đề án thực hiện BHYT đối với dịch vụ điều trị HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 và đến 2020” do Bộ Y tế đã tổ chức ngày 17/5, tại Hà Nội.


Điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thách thức nguồn lực tài chính

Theo bà Tống Thị Song Hương (Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế): Trong chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 chăm sóc, điều trị HIV/AIDS vẫn được tiếp tục xác định là một trong hai trụ cột chính. Tuy nhiên nguồn lực tài chính cần huy động để đạt được các mục tiêu của chương trình đang là một thách thức lớn khi hiện nay, tài trợ của các tổ chức quốc tế đang chiếm từ 60 - 70% hoạt động, tài trợ 90% nguồn thuốc ARV trong điều trị HIV/AIDS. Dự kiến, các nhà tài trợ sẽ cắt giảm các nguồn viện trợ do hạn hẹp về nguồn lực chung trên toàn cầu.

Với các khoảng trống thiếu hụt ngân sách ngày càng tăng cho công tác điều trị HIV/AIDS, cùng với chủ trương tiến tới BHYT toàn dân, và quan điểm điều trị HIV/AIDS được xem như việc điều trị các tình trạng bệnh mạn tính khác, giải pháp được ưu tiên hàng đầu là: mở rộng độ bao phủ của BHYT đối với các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Chuyển dần việc thanh toán chi trả cho điều trị HIV/AIDS từ nguồn lực của các Chương trình, Dự án sang thanh toán từ Quỹ BHYT. Căn cứ của chủ trương này là cả hai Luật BHYT và Luật phòng chống HIV/AIDS đều có các quy định về quyền lợi trong KCB HIV/AIDS đối với người tham gia BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay do các dịch vụ HIV/AIDS chủ yếu vẫn đang được đảm bảo từ ngân sách của Chương trình điều trị HIV/AIDS. Chi phí điều trị cho nhóm đối tượng này do quỹ BHYT thanh toán vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Khảo sát về số lượng bệnh nhân có thẻ BHYT đang được quản lý tại các cơ sở điều trị ngoại trú do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tiến hành vào tháng 4 - 5/2012 cho thấy: số bệnh nhân có thẻ BHYT chiếm 15% tổng số người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có 51,9% thuộc nhóm đối tượng nghèo, 18,9% thuộc nhóm cận nghèo, 29,2% là các nhóm đối tượng khác. Như vậy, bệnh nhân là nhóm đối tượng nghèo và cận nghèo có thẻ BHYT chiếm tỷ trọng tương đối lớn, đây là những đối tượng khó quản lý, khó tiếp cận với các thông tin liên quan đến việc tuân thủ quy trình điều trị cũng như khả năng chi trả cho phí KCB.

Cần tính toán đến năng lực của Quỹ BHYT

Câu hỏi được đặt ra là: Cần lộ trình như thế nào để chuyển bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS theo các Chương trình hỗ trợ từ ngân sách và các tổ chức quốc tế sang Quỹ BHYT thanh toán, đảm bảo đúng quy định trong các văn bản luật về tài chính cũng như tránh phân biệt, đối xử?

Chỉ ra những bất cập trong đảm bảo quyền lợi BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS, bà Hương cho biết: có sự khác biệt trong một số quy định (về thủ tục) giữa hai văn bản Luật liên quan đến BHYT và HIV/AIDS nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể để áp dụng. Bà Hương phân tích: Luật BHYT quy định không chi trả cho các trường hợp nghiện ma túy, nghiện rượu, chất gây nghiện khác; tổn thương thể chất, tinh thần do hành vi VPPL. Trong khi thực tế các điều tra về dịch tễ học HIV/AIDS tại Việt Nam thì phần lớn người nhiễm HIV/AIDS thuộc đối tượng nghiện ma túy, bán dâm. Tuy nhiên, điều này không thể khẳng định được rằng người nhiễm HIV/AIDS là do có hành vi vi phạm pháp luật. Tương tự, các quy định về việc đăng ký KCB ban đầu tại một số cơ sở y tế nhất định, quy định chuyển tuyến của Luật BHYT cũng không thống nhất với quản lý điều trị HIV/AIDS hiện nay đang cho phép người bệnh tiếp cận các dịch vụ điều trị theo sự lựa chọn chủ quan, phù hợp với điều kiện riêng của từng cá nhân, trên cở sở tư vấn của nhân viên y tế tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan… Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS chưa sẵn sàng tham gia BHYT vì chưa ý thức được tầm quan trọng khi tham gia BHYT, cũng như chưa sẵn sàng cho việc cùng chi trả cho các dịch vụ KCB, cộng với trở ngại về thu nhập khi phần lớn đối tượng này không có nghề nghiệp ổn định… Bà Hương cho rằng mô hình điều trị HIV/AIDS cần phải được nghiên cứu, bổ sung quy định cho phù hợp.

Không đồng ý với quan điểm điều trị HIV/AIDS được xem như việc điều trị các tình trạng bệnh mạn tính thông thường, TS Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Chăm sóc và Điều trị, Cục phòng chống AIDS (Bộ Y tế) cho rằng: các bệnh nhiễm trùng cơ hội từ HIV/AIDS nên được xem xét thêm dưới góc độ các bệnh xã hội, từ đó có cơ chế tài chính chi trả phù hợp với các văn bản, chính sách hiện hành. Bên cạnh đó, theo TS Đỗ Thị Nhàn: Đề án cũng chưa đề cập đến năng lực của Quỹ BHYT hiện nay có đáp ứng được hay không? “Chúng ta cần cân nhắc các nguồn chi trả. Phân loại các loại dịch vụ nào nên được chi trả từ Quỹ BHYT, các dịch vụ nào nên chi trả từ NSNN hoặc các nguồn tài chính khác” TS Đỗ Thị Nhàn nói. Đồng quan điểm này, ông Dương Tuấn Đức (Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam) nhấn mạnh: Đề án cần cân nhắc đến khả năng cân đối Quỹ BHYT, cân đối trách nhiệm và quyền lợi thụ hưởng. Ông Đức ví dụ cụ thể: theo tính toán, chi phí điều trị cho mỗi một bệnh nhân HIV/AIDS khoảng 4 triệu đồng/năm, trong khi đó mức phí BHYT tự nguyện hiện nay là 567.000 đồng/người/năm. Với con số gần 69.000 người đang điều trị ARV, nếu chuyển toàn bộ chi phí này vào Quỹ BHYT sẽ rất khó khăn cho khả năng cân đối Quỹ, nhất là theo dự báo, Quỹ BHYT sẽ có khả năng “âm” trong năm 2013…

Bà Trần Lan Anh- Phó giám đốc Sở Y tế Yên Bái đặt vấn đề: khi chuyển điều trị HIV/AIDS về Quỹ BHYT chi trả cho các chi phí thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT theo Luật BHYT, sẽ chuyển hỗ trợ cho các đối tượng này theo quy định như thế nào? Chương trình Điều trị HIV/AIDS sẽ chuyển kinh phí sang tham gia BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị hay huy động từ các nguồn lực khác?

Theo bà Tống Thị Song Hương: Quyền lợi trong KCB HIV/AIDS đối với người tham gia BHYT đã được quy định rõ trong các văn bản Luật. Vấn đề cần cân nhắc hiện nay là điều trị HIV/AIDS sẽ được hưởng quyền lợi như thế nào, phạm vi quyền lợi đến đâu? Tổ chức KCB ra sao để đảm bảo các nguyên tắc chi trả của BHYT và quyền của người HIV/AIDS? Xung quanh Đề án sẽ còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, liên quan đến việc sửa đổi các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này, tiếp tục được bàn thảo trong một hội thảo khác, được tổ chức trong thời gian tới…

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn