Cuộc chiến giữ việc làm của công nhân thời khủng hoảng

27/05/2013 08:09 AM


Kinh tế đang gặp khó khăn, doanh nghiệp liên tục nghĩ ra nhiều kế o bế người lao động vào đường cùng, để ép họ nghỉ việc một cách không thương tiếc. Những đối tượng đứng đầu trong danh sách này là công nhân nữ mang bầu hay công nhân vi phạm kỷ luật.


Khủng bố tinh thần nữ công nhân mang bầu(!)

Những ngày gần đây dư luận đang xôn xao vì chuyện Công ty TNHH Mamuchi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho công nhân Lê Thị Kim Thanh (33 tuổi, TP. Biên Hòa) nghỉ việc chỉ vì lý do rất lãng xẹt là có... bầu. Chị Kim Thanh kể lại: "Tôi vào công ty làm từ những năm 2002, với thu nhập hằng tháng khoảng 4 triệu đồng, mãi đến năm 2013 tôi có thai, thời gian này tôi hay bị ốm nghén, lúc này một lãnh đạo công ty đã liên tục ép tôi làm đơn xin thôi việc. Do tôi không đồng ý làm đơn vị lãnh đạo đó đã buộc tôi phải ngồi một chỗ bằng một cái ghế tự chế khiến cho những người có thai như tôi ngồi rất khó". Không chỉ ép phụ nữ có thai ngồi làm việc với chiếc ghế tự chế gây khó khăn, công ty này còn bố trí cho chị Kim Thanh ngồi làm việc trong một căn phòng nóng bức, không cho quạt, không được đi đâu, đồng thời gắn camera và bố trí người giám sát. Trước việc bị chèn ép nghiêm trọng chị Lê Thị Kim Thanh (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã làm đơn lên Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai và Thanh tra Sở đã vào cuộc để  giải quyết. Sau đó, chị Thanh đã được bố trí công việc mới để phù hợp với sức khỏe của người đang mang thai. Chị được đi khám sức khỏe đầy đủ, thu nhập không thay đổi.

Tuy nhiên, những trường hợp như chị Kim Thanh không phải nhiều. Rất nhiều công nhân ấm ức chịu cảnh chèn ép của doanh nghiệp mà không thể nói nên lời. Một công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM đã có quy định "trời ơi đất hỡi"  là nhân viên chỉ được đi vệ sinh lúc trước và sau khi làm việc, hạn chế đi vệ sinh trong khi làm việc, nếu muốn đi vệ sinh phải đội mũ màu cam, không thực hiện sẽ bị trừ lương và đuổi việc, nhưng điều đáng nói là công ty có hơn 100 người mà chỉ có 4 chiếc mũ màu cam để công nhân đội. Chị Nguyễn Thị Ngọc công nhân ở đây cho biết: "Khi tôi đau bụng không thể chịu được nên muốn đi vệ sinh thì hết mũ, tôi đánh liều đi đại thì bị quản lý bắt lại và lập biên bản, bị trừ tiền là một chuyện, nhưng xa hơn là chuyện bị mất việc bất cứ lúc nào". Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay một số công ty do gặp khó khăn về kinh tế đã nghĩ ra nhiều cách buộc người lao động thôi việc. Nguyễn Mỹ Hiền (25 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM) vừa nghỉ việc tại công ty M.C, quận 3, TP.HCM bức xúc kể lại: "Qua tết đến nay, công ty liên tục gặp trục trặc về xoay vòng vốn nên họ muốn tiết giảm biên chế cho gọn nhẹ, vì vậy họ cắt nhân sự đến 10 người, mình bị xui nên nằm trong số đó. Sếp liên tục giao công việc với số lượng nhiều hơn ngày thường mà lại bắt hoàn thành trong thời gian gấp để tôi không hoàn thành nhiệm vụ, chưa kể đến việc bắt mình kiêm nhiệm nhiều công việc trái với ngành của mình như bắt lau chùi quét dọn trong công ty để rồi sau đó họ lập biên bản và lấy cớ đó để buộc tôi thôi việc".

Làm gì khi doanh nghiệp "vắt chanh bỏ vỏ"

Có thể nói, đây là thời điểm mà các công ty đối mặt với rất nhiều khó khăn về kinh tế, vì vậy cách mà họ đối xử với người lao động được xem là vô nhân đạo. Chèn ép, kiếm cớ đuổi việc bỗng trở thành chuyện "thường ngày ở huyện". Bởi việc làm vốn đã ít mà người lao động thì nhiều cho nên kiểu "vắt chanh bỏ vỏ" của họ chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới lực lượng lao động cho công ty. Mà nếu có chăng, đó chỉ là sự tổn thất về uy tín của doanh nghiệp, đối với họ điều đó cũng không còn quan trọng lắm bởi những vòng xoay đáo hạn nợ nần đã trở thành thứ được quan tâm nhiều hơn. Trước sự lạnh nhạt của doanh nghiệp người lao động chỉ biết than trời bởi nếu bị mất việc họ cũng chẳng biết tìm việc ở đâu vì ít nơi dám tuyển thêm nhân sự mới. Ngoài ra, họ chẳng có thể làm bất kỳ công việc nào vì tiền vốn làm ăn không có, lại không có kiến thức chuyên môn ở một lĩnh vực nào đã khiến họ rất khó khăn để tiếp tục cuộc mưu sinh kiếm sống. Bao nhiêu năm làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, những gì mà họ nhận được chỉ là con số không tròn trĩnh. Chị Lê Thị Vui (28 tuổi, Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM) nghẹn ngào nói: "Năm nay tôi định lập gia đình nhưng tiền làm đám cưới đã không còn nữa, giờ lại bị thất nghiệp chưa xin được nơi nào, còn về quê thì không có gì để làm những ngày tháng tới không biết phải tính sao đây".

Bày tỏ trước sự chèn ép của doanh nghiệp đối với người lao động, một cán bộ thuộc Vụ Bình đẳng giới (bộ LĐ-TB-XH) cho biết: "Những kiểu hành xử với người lao động như trên là vô nhân đạo, với những trường hợp trên để bảo vệ mình người lao động có thể nhờ công đoàn giải quyết tranh chấp lao động hoặc viết thư lên thanh tra sở LĐ-TB-XH  địa phương và công đoàn cấp trên nhờ can thiệp". Luật sư Nông Minh Đức, giám đốc công ty Luật Tùng Dương, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Khi người sử dụng lao động dùng nhiều cách để chèn ép người lao động để họ tự viết đơn xin nghỉ việc thì sẽ không có bằng chứng để khiếu kiện người sử dụng lao động, trường hợp này rất khó giải quyết. Khi người lao động thấy người sử dụng lao động có những dấu hiệu chèn ép để buộc thôi việc thì cần tìm những chứng cứ chứng minh người sử dụng lao động đang sai phạm luật sử dụng lao động. Theo pháp luật quy định, người sử dụng lao động có quyền điều chuyển người lao động làm việc ở những bộ phận mà họ cảm thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định thì chỉ được chuyển đi làm việc khác trong vòng 60 ngày. Trước khi chuyển đổi công việc phải cho người lao động biết trước 3 ngày để sắp xếp công việc, sau 60 ngày người lao động có thể khởi kiện nếu thấy công việc mà người sử dụng lao động giao cho mình trái với hợp đồng lao động đã được ký kết từ trước".

Ngang nhiên vi phạm pháp luật

Luật sư Nông Minh Đức cũng nhấn mạnh thêm: "Người lao động cần phải giữ hợp đồng lao động với người sử dụng lao động để xem những việc mình cần làm đối với lao động bao gồm công việc nào. Nếu người sử dụng lao động buộc người lao động làm trái với những điều khoản đã được ký trước thì họ đã sai trong việc sử dụng lao động. Bên cạnh đó, nếu người lao động tự viết đơn xin nghỉ việc do sự chèn ép thì sẽ không được luật pháp bảo vệ".

Luật sư Trần Đình Triển- Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cho biết: "Nếu chèn ép người lao động nghĩa là doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, đạo lý tối thiểu của mỗi con người. Khi doanh nghiệp xâm phạm quyền con người có thể thu cả giấy phép. Trước hết là xử lý hành chính. Nếu có yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý mạnh hơn"

Theo LĐ&ĐS