Nhiều hộ gia đình Canada đối mặt với rủi ro tài chính

17/05/2013 08:46 AM


Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, sự gia tăng chi phí giáo dục sau trung học và giá bất động sản cao đang gây ra những rủi ro tài chính nghiêm trọng đối với các hộ gia đình ở Canada có con em trong tuổi trưởng thành.


Các chuyên gia kinh tế Ngân hàng TD công bố ngày 7/5 cho biết ngày càng có nhiều bậc phụ huynh ở Canada phải gánh vác các khoản chi phí của con em trong độ tuổi trưởng thành, khiến họ có nguy cơ phải đối mặt nhiều hơn với các vấn đề về rủi ro tài chính trong dài hạn. Đây là kết quả rút ra từ cuộc khảo sát dựa trên bảng câu hỏi và theo dõi bảng kê thanh toán thẻ tín dụng của các hộ gia đình ở Canada. Theo người đứng đầu nhóm khảo sát, Phó Chủ tịch Ngân hàng TD John Tracy, giúp đỡ con em vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính là mong muốn đúng đắn và cần thiết của các hộ gia đình, nhưng điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định tài chính cũng như mục tiêu tiết kiệm hưu trí của các bậc cha mẹ. Càng dành nhiều hỗ trợ tài chính cho con em, các gia đình càng đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính nghiêm trọng hơn về sau này, nhất là đối với những người đã ở gần độ tuổi về hưu và đang cần dành dụm một số tiền nhất định cho việc chăm sóc tuổi già.

Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở Canada hiện vào khoảng 7,2%. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng trong giới trẻ từ 18-25 tuổi, tỷ lệ này lên tới gần 15%. Điều này lý giải tại sao kết quả khảo sát của Ngân hàng TD cho thấy có khá nhiều người trưởng thành hiện vẫn phải sống phụ thuộc vào cha mẹ, từ trả tiền nhà, sinh hoạt phí đến các chi phí giáo dục sau trung học. Có không ít các thành phố tầm trung của Canada đang phát triển khá nhanh, hiện vẫn còn tới gần 1/2 trong số đó đã không thể lấy lại được những gì đã mất từ sau cuộc đại suy thoái, nhất là trên thị trường việc làm. 21 trong số 46 thành phố tầm trung của Canada chưa có dấu hiệu phục hồi các hoạt động kinh tế và việc làm ở mức tương đương với giai đoạn trước của cuộc khủng hoảng 2008-2009. Ở một số nơi, thị trường lao động còn có sự suy giảm rất lớn trong thập niên qua như New Glasgow, NS, Miramichi, Saint-Hyacinthe, Medicine Hat và Vernon. Trước đó, hầu hết các thành phố của Canada đều có được sự thịnh vượng cho đến khi cuộc đại suy thoái kinh tế 2008-2009 xảy ra vốn làm tổn thương các thành phố tầm trung của Canada.

Trong 5 năm qua, chỉ có 6/29 thành phố đạt được nhịp độ tăng trưởng trung bình ít nhất 3%/năm về việc làm, bao gồm Brockville và Leamington (ở Ontario); Lethbridge và Wood Buffalo (ở Alberta); Chilliwack và Duncan (ở British Columbia). Trong lúc số còn lại hầu như không có tăng trưởng, thậm trí còn thụt lùi và nơi có tình trạng xấu nhất là tỉnh Ontario, với kinh tế sụt giảm và việc làm sa sút ở hầu hết 11 trung tâm thành thị. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về thành thị Mario Lefebvre cho biết tăng trưởng trên thị trường việc làm đồng nghĩa với việc gia tăng hiệu quả của các hoạt động của nền kinh tế, thường được thúc đẩy sau khi suy thoái, mặc dù có thể chậm: "Trong khi tính trên tổng thể Canada hầu như đã lấy lại hoàn toàn số lượng việc làm đã bị mất trong suy thoái kinh tế, song những dữ liệu mới cho thấy có sự phát triển rất thiếu đồng đều giữa các thành phố tầm trung của Canada trong thập niên qua và đó là vấn đề rất đáng lo ngại".

Theo TTXVN/Vietnamplus