"Chợ" lao động cần một cơ chế

25/03/2013 09:48 AM


Nói đến thị trường, ta hiểu đó là sự gặp gỡ giữa “cung” và “cầu”. Đối với thị trường lao động - thị trường đặc thù, các chuyên gia lao động cho rằng đây là thị trường mới, do đó cần một cơ chế mở cho các bên tham gia một cách thuận lợi và minh bạch. Song nhìn ở góc độ khác, nhiều nhà tuyển dụng lại cho rằng, “chợ” thì đã có nhưng nguồn cung chưa theo kịp cầu.


Sàn giao dịch việc làm - vẫn là nơi người lao động đến tìm việc.

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm GTVL tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng: Trong xu thế kinh tế ngày một phát triển, khoảng cách giữa các nền kinh tế ngày một gần thì để thị trường lao động phát triển tỉ lệ thuận với phát triển kinh tế là điều mà các nước đang hướng tới. Tại Việt Nam, việc xây dựng một thị trường lao động hài hòa là cần thiết, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp hơn.

Ông Thông cũng cho biết, thị trường lao động được xem là phát triển lành mạnh nếu cung và cầu lao động gặp nhau, chủ - thợ cùng hợp tác trên cơ sở thoả thuận. Đây là điều thị trường lao động nước ta đang thiếu và sẽ không thể giải quyết nếu việc phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực không được xác định rõ ràng trong chiến lược phát triển kinh tế. Nếu không xác định được nền kinh tế cần gì trong trung hạn và dài hạn thì việc quy hoạch nhân lực sẽ không gắn với thực tế. Và như thế, trên thị trường lao động “cung” sẽ vẫn mãi lệch “cầu”.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Hoài Hương, Giám đốc Cty cổ phần XNK Đài Linh nói, hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa có một định hướng rõ ràng. Nhiều trường đang phát triển theo chiều rộng mà chưa có định hướng chiều sâu. Điều này dẫn đến “đầu ra” của một số trường chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, kể cả về chuyên môn và những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc thực tế.

Bà Hương đưa ra dẫn chứng, hiện công ty đang cần tuyển một số vị trí,  trong đó có trưởng phòng marketing, nhưng cả tháng nay "đỏ mắt" tìm mà vẫn chưa được, dù mức lương đến cả nghìn USD.

Một đại diện của Cty Goshi Thăng Long cũng cho biết, đơn vị  liên tục tuyển thợ cơ khí với yêu cầu trình độ từ trung cấp kỹ thuật trở lên. Tham gia hầu hết các phiên giao dịch việc làm của Sàn giao dịch việc làm Hà Nội; tuy nhiên không có người, mà có thì lại không đáp ứng được yêu cầu của Cty. Chính vì vậy qua mỗi phiên, đơn vị này chỉ tìm được khoảng 25% nhu cầu của mình.

Trong khi đó, một vài nghiên cứu về vấn đề việc làm của thanh niên cho thấy, giữa những đòi hỏi về việc làm với định hướng nghề nghiệp của thanh niên, giữa mục tiêu đào tạo nghề và sử dụng lao động có nhiều điểm "vênh". Hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Kết quả điều tra xã hội học đối với những người trong độ tuổi bắt đầu đi làm, có đến 86,5% số thanh niên mong muốn được đi học đại học, cao đẳng.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng năm toàn quốc có khoảng 600.000 thí sinh thi trượt đại học và 112.838 học sinh không tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này cho thấy, còn một lực lượng lao động khá đông cố gắng “len” vào con đường học hành, thi cử mà bỏ qua các trường nghề, khi không đủ năng lực tham gia thị trường lao động cấp cao.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục phó Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết, ở một số nước đã áp dụng hình thức phân loại học sinh từ trung học phổ thông. Những học sinh không đủ tiêu chuẩn được đưa vào đạo tạo tại các trường nghề. Bên cạnh đó, họ sử dụng mô hình đào tạo kép. Với mô hình này, học viên sẽ được trang bị một số kiến thức lý thuyết và một tỉ lệ nhỏ cho thực hành. Sau khi kết thúc học tại trường sẽ tiếp tục được đưa vào đào tạo tại một số doanh nghiệp lớn, nhằm trang bị kiến thức thực hành và những kỹ năng cần thiết. Kết thúc quá trình này, học viên mới quay lại trường làm thủ tục nhận bằng tốt nghiệp.

Bà Vân cũng nhấn mạnh, hiện nay hệ thống thông tin về thị trường lao động cũng như các sàn giao dịch việc làm đang được hoàn thiện. Nếu chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng thì sàn giao dịch việc làm hoàn toàn có thể trở thành hệ thống “chợ” tốt nhất của thị trường lao động.

Theo Báo Lao Động