Cấm dùng thư tín của nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm

22/03/2013 08:14 AM


Đó là một trong những nội dung quy định các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm tại Thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13/03/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.


Thông tư quy định rõ các hành vi trong quảng cáo thực phẩm bị cấm gồm: Quảng cáo thực phẩm khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế cũng nghiêm cấm việc quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm.

Ngoài ra, nội dung quảng cáo thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng phải đảm bảo đúng tác dụng của sản phẩm đã công bố, nếu có nội dung khác thì phải có tài liệu chứng minh và phải đảm bảo chính xác trung thực các nội dung: Tên sản phẩm; xuất xứ hàng hóa, tên địa chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; tác dụng của sản phẩm; cảnh báo khi sử dụng sản phẩm (nếu có); hướng dẫn sử dụng, bảo quản sản phẩm…

Riêng với thực phẩm chức năng, quảng cáo phải có nội dung “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” và nếu quảng cáo bằng âm thanh, nội dung này phải nghe được trong điều kiện bình thường.

Thông tư quy định loại thực phẩm phải đăng ký nội dung khi quảng cáo bao gồm: Thực phẩm chức năng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên; nước uống đóng chai; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Nguồn TC BHXH