Mỗi người Việt đã gánh 800 USD nợ công

13/03/2013 08:51 AM


Nợ bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 800 USD vào ngày 11/3, trong khi đó tốc độ tiêu dùng hàng xa xỉ của một bộ phận người Việt vẫn tăng song hành.


Nợ công trên mỗi đầu người Việt Nam vừa vượt ngưỡng 800 USD

Nợ công bình quân đầu người tăng

Theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist, tổng nợ công Việt Nam hiện đã đạt 71,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm ngoái. Tính bình quân, mỗi người dân Việt đang gánh khoản nợ 800,07 USD, chiếm 49,4% GDP. Hồi tháng 9/2012, nợ bình quân tại Việt Nam là 750 USD. Đến năm 2014, con số này được dự đoán lên tới 883,84 USD. Tuy nhiên, nợ trên GDP giảm xuống chỉ còn 48,1% và tốc độ tăng cũng chậm lại với trên 11%.

Theo công bố của Bộ Tài chính cuối tháng 1, nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2011 là 1,392 triệu tỷ đồng, tương đương 66,8 tỷ USD. Nợ Chính phủ là 1,096 triệu tỷ đồng, bằng 43,2% GDP, trong đó vay nước ngoài là 667.000 tỷ đồng, bao gồm ODA, vay ưu đãi và vay thương mại. Nợ do Chính phủ bảo lãnh hiện khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng, bằng 11,3% GDP. Trong khi đó, chính quyền các địa phương hiện có nợ khoảng 10.700 tỷ đồng, bằng 0,4% GDP. Theo chiến lược nợ được cơ quan chức năng xây dựng, đến năm 2015, nợ công của Việt Nam sẽ không vượt quá 65% GDP.

Tốc độ tiêu dùng “xa xỉ” tăng

Một nghiên cứu mới nhất do Kantar Worldpanel Vietnam (một công ty con thuộc Tập đoàn WPP - Mỹ) vừa cho thấy, nhu cầu tiêu dùng của người Việt đã thay đổi mạnh mẽ. Trong 10 năm tới, khu vực thành thị vẫn là điểm đến tiềm năng cho các sản phẩm tiêu dùng tiện lợi, hàng cao cấp, sản phẩm làm đẹp... Ngày 2/11/2012, khảo sát của trang mạng campaignasia.com cũng cho thấy, thu nhập của người Việt tăng, cơ cấu dân số trẻ là cơ hội mở rộng thị trường xa xỉ phẩm tại đây. Do nhận thức của người Việt tiêu dùng xa xỉ là yếu tố "thể hiện sự thành công", chính vì vậy, Việt Nam được coi là điểm nóng cho thị trường tiêu thụ xa xỉ phẩm.

Theo nhiều nhà nghiên cứu thị trường thế giới, tâm lý của người Việt luôn thích thể hiện sự giàu có, đẳng cấp bằng những thứ họ mang trên người. Ông Matthew Collier, Giám đốc điều hành công ty Y&R Việt Nam nhận định, tiêu dùng xa xỉ theo quan niệm của người Việt Nam là giá và chất lượng. Các thương hiệu cao cấp hàng đầu ở Việt Nam được coi là xa xỉ với mức giá thấp nhất từ 480 USD trở lên. Theo khảo sát của công ty này, có tới 64% người tham gia cho rằng xa xỉ phẩm chính là sự trải nghiệm mới. Bốn thương hiệu cao cấp hàng đầu được nhắc đến là Apple, Sony, Toyota và Honda. "Có đến 52% đàn ông mua sắm hàng tiêu dùng xa xỉ; trong số đó Hà Nội chiếm tới 36% và TPHCM chỉ chiếm 10%".

Theo The Economist, tổng nợ công toàn cầu tăng liên tục qua từng giây và hiện đã lên tới hơn 50.159 tỷ, tăng khoảng 5,6% so với năm 2012 (47.461 tỷ USD). Dự kiến đến hết năm 2014, con số này sẽ là trên 52.856 tỷ USD. Nợ công tập trung chủ yếu ở Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Mỹ và khu vực đồng euro.

Nhật Bản là nước dẫn đầu về tổng nợ với hơn 12.551 tỷ USD. Tuy nhiên, số liệu này đã giảm nhẹ so với đầu năm. Xếp thứ hai trên thế giới là Mỹ với trên 11.855 tỷ USD nợ công. Các nước châu Âu, đặc biệt là khu vực đồng euro, đều có mức nợ công cao như Đức (2.794 tỷ USD), Pháp (2.347 tỷ USD), Italy (2.465 tỷ USD) hay Anh (2.268 tỷ USD). Ở châu Á, Trung Quốc là quốc gia có tổng nợ lớn thứ hai với trên 1.372 tỷ USD, theo sau là Ấn Độ với khoảng 1.037 tỷ USD. Châu Phi có số quốc gia mắc nợ ít nhất thế giới. Nước nợ nhiều nhất ở đây là Ai Cập với 219 tỷ USD.

Xét về tỷ lệ nợ công trên GDP, Nhật Bản vẫn cao nhất thế giới với 226%, Hy Lạp đứng thứ hai với 157,4%, tiếp đó là Italy với 120,8%. Quốc gia có nợ bình quân đầu người cao nhất cũng vẫn là Nhật Bản với gần 100.000 USD, giảm nhẹ so với năm ngoái. Theo sau là Canada với 44.619 USD.

Theo ĐVO