Đồng bằng sông Cửu Long: Làm sao thoát khỏi “vùng trũng” y tế?

16/08/2013 01:41 AM


Có nhiều cố gắng đào tạo nguồn nhân lực y tế nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thoát khỏi "vùng trũng" về nguồn nhân lực này. Điều này không những làm kìm hãm sự phát triển KT-XH ở địa phương mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân toàn vùng…


Bác sĩ xuống tuyến cơ sở khám chữa bệnh cho dân

Thiếu số lượng, yếu chất lượng

Theo thông tin từ Trường ĐH Y dược Cần Thơ, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có 5,66 bác sĩ (BS) và 0,84 dược sĩ/vạn dân, lại phân bổ không đồng đều. Cao nhất là TP. Cần Thơ 9,10 BS/vạn dân, thấp nhất là Sóc Trăng 3,89 BS/vạn dân, kế đến là An Giang 4,56 và Tiền Giang 4,86/vạn dân. Về dược sĩ thì Đồng Tháp lại là tỉnh có số dược sĩ/vạn dân cao nhất vùng 1,91 dược sĩ/vạn dân và thấp nhất là tỉnh Sóc Trăng 0,40/vạn dân, kế đến là An Giang 0,48/vạn dân…

Trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực này cũng đang tồn tại nhiều bất cập. BS có trình độ chuyên khoa I mới chỉ đạt 40,18% và 4,97% BS có trình độ chuyên khoa II, thạc sĩ đạt 3,20%. Toàn vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành với 104 quận, huyện và 1.554 xã, phường, tuy nhiên số lượng BS và dược sĩ, may ra mỗi quận, huyện chỉ có từ 1 đến 2 BS và dược sĩ. Còn tuyến xã, phường, thị trấn thì đang thiếu nghiêm trọng.

TS.BS. Phạm Văn Đởm - Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết: Tỉnh còn 70/145 xã chưa có BS, đặc biệt có nhiều xã đảo chưa có BS, những lúc bão gió ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám chữa bệnh cho bà con. Cần tăng chỉ tiêu BS cho những nơi này đảm bảo ít nhất 1 xã phải có 1 BS.

Nhiều địa phương tỏ ra "xót của” khi hệ thống trang thiết bị y tế được đầu tư đang bị lãng phí vì thiếu lực lượng quản lý và sử dụng. Ông Võ Anh Hổ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp kiến nghị một số ngành mà tỉnh đang thiếu cần được đào tạo là: bảo trì trang thiết bị y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn, y tế dự phòng…

Tăng chỉ tiêu có phải là giải pháp?

Tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL vừa tổ chức, BS CK II Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ bức xúc: Thời gian qua, có nhiều trường tuyển sinh ngành y tế mà lấy chỉ có 14 điểm (chủ yếu là trường ngoài công lập). Vậy mà Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT vẫn cho phép đào tạo, tạo ra một thế hệ cán bộ y tế không thể khám chữa bệnh được. Các tỉnh phải mạnh dạn đấu tranh "tẩy chay” việc đào tạo nguồn lực y tế kém chất lượng này.

Còn theo bà Trần Thị Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, một kỹ sư sửa máy móc, sửa không đúng có thể sửa lại không sao. Nhưng một BS mà "sửa” người không đúng thì làm sao đền tính mạng được? "Mặc dù tỉnh vẫn còn thiếu BS, nhưng nếu trường tuyển chính quy 25 điểm, còn đào tạo theo địa chỉ thấp hơn 1 đến 2 điểm thì được, còn dưới nữa là kiên quyết không đưa đi đào tạo”- bà Thái nói.

Về điều này, PGS.TS Phạm Văn Lình - Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ cũng không kém phần bức xúc: Không riêng gì vùng ĐBSCL mà cả nước, nhiều trường ngoài công lập sau khi mở ra tuyển dụng đào tạo BS, điều dưỡng với đầu vào rất yếu kém. Từ sau giải phóng 1975 đến 2010, 25 năm chỉ thành lập mới được 12 trường, nhưng chỉ trong 2 năm 2011 - 2013 đã thành lập mới 13 trường và cơ sở đào tạo, trong số đó có tới 11 trường là ngoài công lập. "Nhiều trường đào tạo BS, điều dưỡng trong khi đội ngũ cán bộ đào tạo lại không có chuyên môn. Chúng tôi đào tạo 4 năm mà còn thấy thiếu thời gian. Thế mà nhiều trường chỉ đào tạo có 2 buổi (thứ 7 và chủ nhật)…”

Nhiều địa phương cho rằng Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT nên có quy định, tiêu chuẩn chặt chẽ đối với các trường, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế. Không vì lý do thiếu mà đào tạo ồ ạt. Nguồn nhân lực y tế phải được đầu tư lâu dài vì đây là nguồn nhân lực đặc thù. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cần tham mưu với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế tăng chỉ tiêu cho hệ liên thông, cử tuyển theo hình thức "trên sàn, dưới chuẩn”, nhằm từng bước nâng cao số lượng cán bộ y tế.

Theo Báo Đại đoàn kết