Cung cầu lao động vẫn mất cân đối trong năm 2014

10/02/2014 08:41 AM


Dù tỷ lệ lao động thất nghiệp của Việt Nam thấp hơn so với thế giới nhưng vấn đề chất lượng lao động và mất cân đối cung cầu lao động đang là tình trạng đáng báo động đối với thị trường lao động Việt Nam. Năm 2014, tình trạng này sẽ vẫn khó được cải thiện.


Chất lượng lao động thấp đang là rào cản lớn đối với ngành lao động - Ảnh minh họa: TD

Tại buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Nghịch lý cung-cầu thị trường lao động” trên chinhphu.vn diễn ra ngày 8-1, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục việc làm Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho hay, tỷ lệ lao động thất nghiệp tại Việt Nam năm 2013 chỉ là 2,2%, thấp hơn so với thế giới (5,5%). Song, vấn đề chất lượng lao động và mất cân đối cung cầu giữa các vùng miền, nơi thừa, nơi thiếu lao động đang là bài toán khó đối với bộ này.

Cũng theo bà Vân, nơi thừa lao động thì thừa lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn thiếu lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề cao. Nhưng các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp lại khó trong việc tuyển dụng kể cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Bình Dương là một ví dụ điển hình. Theo ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có trên 18.000 doanh nghiệp đang hoạt động với số lượng lao động là 826.000 người và 28 khu công nghiệp.

Qua khảo sát, dân số Bình Dương bước vào độ tuổi lao động vào khoảng 20.000-25.000 người mỗi năm. Trong khi nhu cầu tuyển dụng hàng năm từ 45.000-50.000 người. Do đó, nhu cầu doanh nghiệp cao hơn nhu cầu việc làm ở dân Bình Dương trong khi đó các tỉnh khác lại xảy ra tình trạng dư thừa lao động.

Điều này, theo bà Vân, là do lực lượng lao động sống ở nông thôn làm nông nghiệp là chủ yếu nên giữ phong cách làm ăn nhỏ.

“Tỷ lệ lao động được đào tạo thấp, chỉ có 20% có qua đào tạo, có chứng chỉ, có bằng cấp. Nếu cộng cả số có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhưng không có bằng như truyền nghề, tự học… cũng chưa đạt đến 50%. Thêm vào đó là tác phong công nghiệp còn hạn chế. Người lao động nông thôn còn làm ăn nhỏ lẻ, nhẩy việc vẫn diễn ra trong năm 2013 nên tạo nên tình trạng mất cân đối cung cầu lớn”, bà Vân nói

Trong khi đó, các chính sách, chế độ của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh với người lao động vẫn chưa phù hợp. Ví dụ như việc lo nhà ở, lo sinh hoạt văn hóa cho người lao động chưa được đáp ứng. Mặt khác, chế độ đãi ngộ cho người lao động như tiền lương, tiền thưởng cũng chưa đáp ứng được. Đặc biệt trong ngành may mặc, lương trung bình chỉ 3 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng nên chưa thu hút được ngươi lao động từ tỉnh khách đến.

Đại diện Cục Việc làm cho hay, nếu đi dọc đường lớn sẽ bắt gặp rất nhiều thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp nhưng thực tế nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp không đến mức như vậy. Chính điều này cũng tạo nên sự mất cân đối ảo về cung cầu.

Ngoài ra, chính sách về việc làm ở nước ta chưa chưa đồng bộ, chưa gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực do vậy khi nhà nước có chính sách thu hồi đất để chuyển mục đích sử dụng thì người lao động rơi vào tình cảnh chưa được đào tạo để chuyển đổi nghề. Đồng thời chưa có quy hoạch để phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tiếp theo.

Theo bà Vân, cả nước hiện có 130 trung tâm dịch vụ việc làm, trong đó 64 trung tâm thuộc sở LĐTBXH các tỉnh thành phố, 44 sàn giao dịch đã được thiết lập tại các trung tâm này.

Tuy nhiên, thông tin về thị trường lao động chưa đầy đủ, chưa chính xác, chưa được cập nhật thường xuyên và chưa đến được khắp người sử dụng lao động và người lao động. Đặc biệt là người lao động ở vùng sâu vùng xa nên dẫn tới sự mất cân đối cung cầu năm 2013.

“Hơn nữa, hiện có rất nhiều bộ, ngành thực hiện công tác dự báo thị trường lao động nhưng chất lượng dự báo phụ thuộc vào đầu vào, trong khi đầu vào chưa được cập nhật, chưa chính xác nên đầu ra còn nhiều hạn chế”, bà Vân nói.

Sang năm 2014, theo dự báo của Cục Việc làm, mặc dù kinh tế có khả quan hơn nhưng tình trạng mất cân đối cung cầu về thị trường lao động giữa các vùng miền và chất lượng việc làm thấp sẽ vẫn tiếp tục tiếp diễn.

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn