Lao động Việt Nam ở nước ngoài bỏ trốn ngày càng tăng

11/09/2013 08:25 AM


Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 500.000 lao động (LĐ) đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiền lương mỗi năm gửi về hàng tỉ USD. Nhưng, thực tế đáng lo là tỉ lệ LĐ Việt Nam bỏ trốn hoặc cư trú bất hợp pháp ngày càng tăng.


Lao động VN làm việc tại Cty thực phẩm Đài Nam, Đài Loan (TQ).

Phí môi giới gấp đôi quy định

Theo thống kê, tỉ lệ LĐ VN bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở ngoài nước luôn ở mức cao hơn nhiều so với các nước cùng tham gia XKLĐ trong khu vực: Nhật Bản khoảng 40%, Hàn Quốc 30%, Đài Loan (TQ) trên 10%... Theo quy định, LĐ bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, phá bỏ hợp đồng sẽ bị buộc về nước và phải chịu mọi chi phí. Còn DN nào có NLĐ bỏ trốn sẽ bị đình chỉ hoặc tước giấy phép hoạt động XKLĐ, bị xử lý hành chính, phạt tiền đến 20 triệu đồng và chịu mọi chi phí giải quyết vụ việc...

LĐ bỏ trốn có nhiều lý do, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chi phí môi giới quá cao so với quy định, khiến họ phải bỏ trốn ra ngoài làm việc hòng thu lại chi phí đã bỏ ra. Theo quy định của Bộ LĐTBXH từ ngày 1.4.2012, tổng chi phí của NLĐ đi làm việc tại Đài Loan trong các ngành công nghiệp không vượt quá 4.500USD/người/3 năm và trong đó tiền môi giới không quá 1.500USD/người; giúp việc và chăm sóc sức khoẻ không vượt quá 3.800USD/người/3 năm và tiền môi giới không vượt quá 800USD/người. Nhưng phần lớn NLĐ đã phải trả gấp đôi số tiền theo quy định thì mới được đi XKLĐ.

Đại diện Cục QLLĐNN (Bộ LĐTBXH) cho biết, các cơ quan chức năng và địa phương đã rất nỗ lực giải quyết nhưng đều bất lực vì không lay chuyển được nhận thức của NLĐ. Có một điều mà họ không nhắc tới, đó là kiểm soát chi phí của các Cty môi giới XKLĐ và đã để họ đưa ra mức phí “cắt cổ” đối với NLĐ.

“Bệnh” phải được trị từ gốc

Theo anh Đào Văn Quảng (quê Thái Thuỵ, Thái Bình hiện đang làm việc tại Đài Loan), chi phí đi XKLĐ của anh lên tới 7.000USD trong đó có 1.000USD tiền cọc. Nhưng khi anh làm thủ tục và nộp tiền đầy đủ thì Cty lại ép anh ký vào bản cam kết là sau khi hết hợp đồng 3 năm về nước thì phải nộp thêm cho Cty một số tiền tương ứng với một tháng lương là 17.280 đài tệ.

Điều này rất vô lý, vì khi làm hợp đồng có ghi số tiền phải đóng là 7.000USD cho 3 năm làm việc. Nhưng vì đã nộp tiền cho Cty và mong muốn được đi XKLĐ nên NLĐ buộc phải ký. Khi anh Quảng về nước lần thứ nhất, Cty đã trả lại số tiền đặt cọc và trừ đi 17.280 đài tệ. Khi trở lại Đài Loan lần thứ hai Cty vẫn làm như vậy. Cty môi giới đã ngang nhiên chiếm đoạt những đồng tiền mồ hôi nước mắt của NLĐ.

Vấn đề nữa là thời gian làm việc tại Đài Loan rất căng thẳng, khiến NLĐ không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức LĐ. Theo anh Quảng, mỗi ngày bình quân NLĐ phải làm việc từ 12-15 giờ. Nhưng mức thu nhập cũng chỉ được 19.000 đài tệ (khoảng 13 triệu tiền Việt), nếu làm thêm giờ thì được 120 đài tệ/giờ. Cuộc sống của NLĐ không khác gì một cái máy biết nói chỉ biết ăn - ngủ - làm việc.

Phần lớn NLĐ đi XKLĐ thường có hoàn cảnh  khó khăn, để có được hơn 100 triệu đồng chi phí họ phải vay mượn và thế chấp cả nhà cửa.  Nếu được làm việc tại một Cty có công việc ổn định, có làm tăng ca thì ít nhất gần hai năm NLĐ mới hoàn được chi phí bỏ ra. Nếu Cty ít việc, chỉ làm 8 giờ/ngày và không có làm tăng ca thì 3 năm cũng không đủ.

Việc bỏ trốn ra ngoài rất nhiều rủi ro rình rập họ, cuộc sống của họ trở nên mong manh, phải sống chui lủi nay đây mai đó và luôn luôn bị chủ thuê chèn ép, áp bức, đôi khi còn bị quỵt trả lương. Ngoài những bất an trên, NLĐ luôn luôn phải chạy trốn sự kiểm tra đột xuất của cảnh sát nước sở tại và đã có rất nhiều người phải đánh đổi cả tính mạng.

Nhằm hạn chế LĐ bỏ trốn, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1465/QĐ-TL đối với NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc. Theo đó, NLĐ trước khi đi làm việc việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng, đây sẽ là sự ràng buộc để NLĐ không bỏ trốn. Để tạo uy tín cho thị trường LĐ VN và tránh tình trạng LĐ bỏ trốn, cơ quan chức năng cần có những biện pháp hiệu quả hơn, nhất là việc giám sát chặt các loại chi phí mà các Cty môi giới đưa ra.

Theo Báo Lao động