Cần xử lý hình sự những doanh nghiệp cố tình trây ỳ bảo hiểm xã hội

11/09/2013 01:41 AM


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động (LĐ), BHXH và đưa người lao động Việt Nam (NLĐ VN) đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Theo đó người sử dụng LĐ chậm đóng, hoặc đóng không đúng với quy định của BHXH, BHTN thì sẽ bị phạt đến 75 triệu đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Tăng mức phạt - tăng tính răn đe

Theo nghị định, người sử dụng LĐ chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN và đóng không đúng với mức quy định sẽ bị phạt tiền từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với các hành vi: Chậm đóng BHXH, BHTN; đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định và đóng không đủ số người thuộc diện tham gia.

Ngoài ra, người sử dụng LĐ sẽ bị phạt tiền với mức từ 18-20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng nếu không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho toàn bộ NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN. Đồng thời NLĐ có hành vi thỏa thuận với người sử dụng LĐ không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000đ đến 1 triệu đồng.

Mức phạt 75 triệu đồng là quy định cho tất cả quá trình vi phạm của các hành vi, nhưng có nhiều hành vi vi phạm như: Doanh nghiệp (DN) chỉ đóng cho số nhân viên văn phòng, hành chính, còn các nhân viên khác sẽ ký HĐLĐ thời vụ; đóng thấp hơn mức tiền thực trả cho NLĐ, chỉ đóng mức tối thiểu vùng cộng 7% phụ cấp DN. Vì trong quá trình chậm đóng có nhiều loại hình như chậm nộp, chậm đóng, đóng thiếu cả số người và số tiền... nếu tính tất các hành vi cộng lại thì chỉ phạt có 75 triệu đồng, nhiều DN số nợ lớn hơn rất nhiều. Do vậy, khi bị xử phạt DN phải đóng tiếp số tiền nợ theo diện lũy kế chứ không thể phạt xong để đấy.

Hiện nhiều DN đang trốn đóng BHXH cho NLĐ bằng cách đóng theo bảng lương chứ không đóng theo doanh thu. Vì theo quy định là tiền lương đóng BHXH là căn cứ vào mức lương ký kết trong HĐLĐ, do vậy, khi kiểm tra DN xuất trình HĐLĐ ký kết mặc dù theo bảng lương thì mức lương của NLĐ cao hơn rất nhiều mức đóng BHXH. Điều này đang là hợp thức hóa việc trốn đóng BHXH cho NLĐ, vì nhiều người làm 7-8 năm mà lương vẫn ở mức 3 triệu đồng.

Cũng theo NĐ95 thì việc trả lương thấp hơn quy định cũng bị phạt đến 75 triệu đồng, theo đó người sử dụng LĐ không trả lương đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật LĐ, trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về LĐ thuộc cấp huyện. Ngoài ra, nếu người sử dụng LĐ trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì cũng sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng và sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1 đến 3 tháng…

Cố tình trây ỳ phải bị xử hình sự

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2012 tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN cả nước lên đến trên 7.500 tỉ đồng (chiếm 6,8% kế hoạch thu), trong đó BHXH trên 5.500 tỉ đồng, chiếm 73,11% tổng số nợ và BHTN chiếm 5,37%, BHYT chiếm 21,52%. Trưởng phòng PL-QHLĐ Tổng LĐLĐVN - Hồ Thị Kim Ngân - cho biết trong quá trình đi kiểm tra đã phát hiện rất nhiều các vi phạm của DN về BHXH.

Việc Chính phủ tăng mức phạt sẽ mang lại hiệu quả và tăng sức mạnh của tính răn đe đối với các DN trốn đóng BHXH. Nhưng khó khăn nhất là nhiều DN tư nhân đang cố tình trốn đóng BHXH bằng cách ký HĐLĐ thử việc hoặc thời vụ và chỉ đóng cho khối văn phòng trong khi DN có đến 40-50 LĐ. Còn các DN nhà nước, các TCty lớn, Cty xây dựng nợ đọng cần phải xử lý vi phạm hình sự và tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các DN.

Theo biên bản kiểm tra của BHXH VN tại tỉnh Gia Lai ngày 19.6.2013 vừa qua về việc thực hiện công tác quản lý BHXH, BHYT trên địa bàn, qua kiểm tra đã phát hiện rất nhiều đơn vị chậm đóng BHXH với số tiền rất lớn. Điển hình là Cty CP Sông Đà 3 từ tháng 8.2011 đến tháng 5.2013 thường xuyên chậm đóng, đóng thiếu tiền BHXH, do vậy mọi chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho NLĐ đều không được BHXH giải quyết và Cty đã tự cấp tạm ứng 3.527.500đ để giải quyết quyền lợi cho NLĐ.

Giám đốc BHXH quận Hoàn Kiếm Nguyễn Văn San cho rằng, nếu cứ phạt bằng tiền thì các DN không sợ, do vậy cần phải có biện pháp mạnh như: Rút giấy phép sản xuất kinh doanh, DN nhà nước thì phải kỷ luật lãnh đạo, nếu cần thiết thì phải truy tố theo Luật Hình sự. Trốn thuế phải truy tố, vậy tại sao trốn đóng BHXH lại chỉ bị xử lý hành chính. Chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ là tham nhũng, tại sao lại không xử lý hình sự?” - ông San nhấn mạnh.

Theo Báo Lao động