Tình trạng "bóc lột" lao động trẻ em đang giảm

01/10/2013 08:02 AM


Báo cáo đánh giá tiến bộ đối với công tác xóa bỏ LDTE (Marking progress against child labour) cho biết số lao động trẻ em (LDTE) toàn cầu giảm 1/3 so với năm 2000, giảm từ 246 triệu xuống còn 168 triệu. Tuy nhiên cộng đồng quốc tế thông qua tổ chức lao động quốc tế (ILO) thống nhất rằng tỷ lệ giảm có cải thiện trên chưa đủ để đạt được mục tiêu xóa bỏ các hình thức LDTE tồi tệ nhất vào năm 2016.


Xu hướng sử dụng lao động trẻ em của khu vực.

Con số ước tính gần đây nhất của tổ chức ILO được công bố trước thềm Hội nghị toàn cầu về LDTE sẽ được tổ chức tại Brasil vào tháng tới cho thấy hầu hết tiến bộ đạt được từ năm 2008 đến năm 2012 khi số LDTE toàn cầu giảm từ 215 triệu xuống còn 168 triệu.

Hơn ½ trong tổng số 168 triệu LDTE toàn cầu tham gia làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đó là những công việc trực tiếp nguy hại đến sức khỏe, sự an toàn và phát triển đạo đức của trẻ. Số trẻ em  hiện nay làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 85 triệu, giảm từ 171 triệu vào năm 2000.

Công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thường được xem như là một hình thức LDTE tồi tệ nhất, bởi vì trẻ em tham gia làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chiếm phần lớn trong số trẻ em làm các hình thức LDTE tồi tệ nhất.

Theo ông Guy Ryder – Tổng giám đốc của tổ chức ILO: “Chúng ta đang đi đúng hướng nhưng tiến độ còn rất chậm. Nếu chúng ta nghiêm túc đối với việc xóa bỏ LDTE trong tương lai gần thì chúng ta cần phải tăng cường nỗ lực tại tất cả các cấp. Có 168 triệu lý do chính đáng để thực hiện việc này”.

Ngành "hot" của lao động trẻ em: Nông nghiệp

Theo báo cáo của ILO, số lượng LDTE lớn nhất thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (khoảng 78 triệu), tuy nhiên khu vực tiểu vùng Saharan Châu Phi vẫn tiếp tục là khu vực có tỷ lệ LDTE lớn nhất, trên 21% tổng số dân. Tỷ lệ LDTE tại các nước nghèo cao nhất, tuy nhiên các nước thu nhập trung bình lại có số lượng LDTE lớn nhất.

Bên cạnh đó, LDTE là nữ giảm 40% so với năm 2000, trong khi LDTE là năm giảm 25% so với năm 2000. Đáng lưu ý, nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng nhất, có 98 triệu trẻ em tham gia LDTE, tương ứng 59%. Tuy nhiên cũng không thể sao nhãng vấn đề này trong ngành dịch vụ (có 54 triệu LDTE) và ngành công nghiệp (12 triệu LDTE), hầu hết trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Theo đánh giá của bảng tổng kết nói trên, từ năm 2008 đến năm 2012, LDTE từ 5-17 tuổi giảm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ La Tinh và khu vực tiểu vùng Saharan Châu Phi. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương số LDTE giảm nhiều nhất, từ 114 triệu vào năm 2008 xuống còn 78 triệu vào năm 2012. Số lượng LDTE cũng giảm tại khu vực tiểu vùng Saharan Châu Phi (giảm 6 triệu), và giảm nhẹ tại khu vực Mỹ La Tinh và vùng Cari-bê (giảm 1.6 triệu). Có 9.2 triệu LDTE tại khu vực Trung Đông và khu vực Bắc Phi.

Các yếu tố chính giúp đạt được tiến bộ trong công tác xóa bỏ LDTE

Báo cáo trên cũng chỉ ra những hành động nhằm tăng cường tiến độ của công tác xóa bỏ LDTE trong những năm qua. Những lựa chọn về chính sách, đầu tư cho giáo dục và bảo trợ xã hội là những yếu tố giúp làm LDTE.

Các hành động khác giúp giảm LDTE gồm: cam kết của Chính phủ, số lượng các quốc gia phê chuẩn các công ước về LDTE của ILO ngày càng tăng, lựa chọn các chính sách phù hợp và khung pháp lý chặt chẽ.

Constance Thomas – Giám đốc Chương trình quốc tế về xỏa bỏ LDTE của ILO (ILO_IPEC) kết luận: “Không ai có thể một mình đạt được kết quả này, nhiều người đã giúp nâng cao nhận thức và quan tâm đến tác động tiêu cực của LDTE đối với tăng trưởng kinh tế, tương lai của xã hội và quyền trẻ em. Tuy nhiên, vai trò của tổ chức ILO đi đầu trong công tác xóa bỏ LDTE thông qua những chuẩn mực của tổ chức, hệ thống giám sát, tư vấn, nâng cao năng lực và hành động hỗ trợ trực tiếp rất đáng được đề cập đến”.

LDTE là công việc tước đi tuổi thơ, tiềm năng và nhân phẩm của các em, đồng thời nguy hại đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. LDTE chỉ những công việc mà các em dưới độ tuổi lao động tối thiểu làm dựa vào Công ước 183 năm 1973 về độ tuổi lao động tối thiểu, và các hình thức LDTE tồi tệ nhất theo Công ước 182 năm 1999 về các hình thức LDTE tồi tệ nhất của tổ chức ILO.

Theo VnMedia