Khoảng trống y tế học đường

05/12/2013 08:49 AM


Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, các bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp xuất ăn cho học sinh, nước uống cho học sinh. Tăng cường kiểm tra các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học..., là những nội dung kế hoạch Y tế học đường năm học này ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, từ đó tới triển khai còn khoảng cách lớn.


Khám sức khỏe định kỳ cho học sinh

Không ít hội nghị gần đây đã thảo luận về các vấn đề bức thiết trong công tác y tế trường học hiện nay như chăm sóc sức khỏe răng miệng, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học. Đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, nhận biết một số dịch bệnh thường gặp và chăm sóc sức khỏe về mắt cho học sinh, sinh viên...

Tuy nhiên các nghiên cứu đánh giá về công tác y tế trường học cho đến nay chủ yếu vẫn dừng lại ở việc mô tả kết quả hoạt động chuyên môn y tế trường học, mô hình bệnh tật và một số bất cập trong triển khai chính sách, chứ chưa đi sâu đánh giá, tìm hiểu về những bất cập và vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách, quy định về y tế trường học một cách có hệ thống. Tiêu chí sức khỏe học sinh cũng chưa được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục của mỗi địa phương, mỗi cấp quản lý giáo dục và mỗi nhà trường.

Đó là lý do vai trò trách nhiệm của các bên liên quan trong phối hợp hoạt động y tế trường học chưa rõ ràng. Học trò bị cảm chết trong trường, không đưa cấp cứu kịp, không quy được trách nhiệm cho ai. Vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, các bếp ăn bán trú, căng tin đầy nguy cơ ngộ độc, có phát hiện ra và đi cấp cứu hàng loạt, cũng chỉ cho ra lý do vì sao ngộ độc, người chịu trách nhiệm là ai không rõ. Vì thế đảm bảo điều kiện cho hoạt động y tế trường học, tăng cường cơ sở vật chất trong nhà trường, đảm bảo đủ cán bộ y tế trong trường học..., cũng cần đồng bộ chế tài xử lý khi sai phạm.

Kỹ năng học sinh tự chăm sóc sức khoẻ bản thân, bảo vệ môi trường, kỹ năng bơi và cứu đuối, kỹ năng an toàn giao thông..., ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng học trò, song đều là những "môn phụ”. Trong khi đó nhận thức về công tác y tế trường học ở nhiều nơi chưa đúng mức. Đặc biệt ở vùng kinh tế khó khăn, các trường còn thiếu trang thiết bị đảm bảo ánh sáng, bàn ghế bảng phù hợp, nhà tập luyện thể chất, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt, bếp ăn tập thể, phòng y tế...

Trong các trường học có phòng y tế thì chỉ khoảng 50% số phòng đảm bảo yêu cầu về diện tích. Đến nay, mới hơn 55% số trường có cán bộ y tế trường học, trong đó hơn một nửa là kiêm nhiệm.

Cán bộ y tế học đường phần lớn là điều dưỡng, y sỹ và cán bộ y tế khác nên việc triển khai các nội dung chuyên môn còn nhiều hạn chế, nhất là việc khám, phát hiện học sinh mắc bệnh và xử lý các tình huống sơ cấp cứu cho học sinh. Bên cạnh đó, sự phối hợp lồng ghép triển khai các chương trình y tế trong trường học còn thiếu chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao.

Để nâng cao hiệu quả công tác y tế học đường, Ban chỉ đạo y tế học đường TP. Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu sớm ban hành danh mục trang thiết bị, thuốc thiết yếu cho Phòng Y tế trường học thay thế Quyết định số 1221/QĐ – BYT ngày 7/4/2008, vì một số danh mục trang thiết bị, thuốc thiết yếu đến nay không còn phù hợp. Bộ Y tế cũng cần xem xét sớm ban hành văn bản quy định việc phân loại sức khỏe học sinh. Các quận, huyện, thị xã có kế hoạch tuyển dụng đảm bảo ít nhất mỗi trường có một cán bộ y tế. Đối với các nhóm lớp mầm non nên có quy định người chăm sóc trẻ phải được tập huấn kỹ năng cơ bản về xử lý tình huống sơ cấp cứu nhi khoa.

Theo Báo Đại đoàn kết