150 triệu USD hỗ trợ y tế cho 13 tỉnh

28/11/2013 02:47 AM


Từ nay đến năm 2019, 13 tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng sẽ được hỗ trợ y tế từ Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng”.


Ngành y tế 13 tỉnh sẽ được tài trợ 150 triệu USD để đầu tư nhân lực và trang thiết bị

13 tỉnh được Dự án hỗ trợ với số tiền là 150 triệu USD vay vốn Hiệp hội phát triển quốc tế, gồm: Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên (bao gồm cả BVĐK Thái Nguyên), Hòa Bình.

Đây là những tỉnh lần đầu tiên có một dự án hỗ trợ tổng thể hệ thống y tế (gồm trang thiết bị y tế, nhân lực…) và là khu vực có trình độ phát triển kinh tế-xã hội và y tế không đồng đều với tổng diện tích 44.646 km2 (chiếm 14% tổng diện tích Việt Nam), dân số 13,7 triệu người (chiếm 16% tổng dân số quốc gia) với nhiều dân tộc thiểu số khác nhau.

Cho đến nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo Dự án dành nguồn lực nhất định hỗ trợ cải tiến chất lượng bệnh viện, truyền thông bảo hiểm y tế và nâng cao năng lực quản lý bệnh viện.

Tại Hội nghị triển khai Dự án, diễn ra ngày 25/11/2013, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Giám đốc Dự án, cho biết Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng có 3 mục tiêu cụ thể, gồm: Tăng cường năng lực kỹ thuật và quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ y tế tại tuyến tỉnh, huyện để nâng cao chất lượng dịch vụ tại 5 nhóm chuyên khoa (Ung bướu, tim mạch, sản, nhi và chấn thương); Mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm y tế cho đối tượng người cận nghèo; Nâng cao năng lực quản lý, giám sát và đánh giá thực hiện dự án.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các mục tiêu trên của Dự án góp phần quan trọng giúp giảm quá tải tại các bệnh viện Trung ương. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các chủ đầu tư tiếp nhận dự án tổ chức triển khai tốt Dự án theo đúng thỏa thuận tài trợ và các quy định, hướng dẫn của Nhà nước và của Ngân hàng Thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế giao trách nhiệm cho các bệnh viện tuyến cuối gồm Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện K, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, cần tạo mọi điều kiện cho các tỉnh thuộc Dự án trong công tác chỉ đạo, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.

Nguồn: chinhphu.vn