Tăng lương: Nỗi lo kép

26/11/2013 07:16 AM


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. So với mức lương tối thiểu theo vùng hiện hành thì mức lương tối thiểu theo vùng sắp áp dụng (từ 1-1-2014) sẽ cao hơn từ 250.000-350.000 đồng/tháng.


Lương tăng

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với DN sẽ là 2,7 triệu đồng/tháng đối với vùng I; 2,4 triệu đồng/tháng tại vùng II; tại vùng III là 2,1 triệu đồng/tháng, và mức 1,9 triệu đồng/tháng đối với vùng IV.

So với mức lương tối thiểu theo vùng hiện hành thì mức lương tối thiểu theo vùng sắp áp dụng sẽ cao hơn từ 250.000-350.000 đồng/tháng. Mức lương này sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-1-2014. Nghị định 182 của Chính phủ cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là cơ sở để DN và người lao động thỏa thuận tiền lương, đảm bảo mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm trong công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường, đảm bảo đủ thời gian làm việc trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Với mức lương được đưa ra trong Nghị định, tới đây lương tối thiểu vùng sẽ tăng 15% so với hiện nay.

Tháng 9-2013, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đưa ra đề xuất về việc tăng lương tối thiểu năm 2014 lên khoảng 21-36%. Ngay sau đó là dự thảo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mức lương được đề xuất tăng ở mức thấp hơn so với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (chỉ tăng ở mức 15 – 17% so với năm 2013). Và đến thời điểm này, cả hai đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của hai cơ quan nói trên đều được "rút” lại bằng Nghị định 182 và chỉ tăng 15%, nghĩa là vẫn thấp hơn mức đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội 2%, và thấp hơn hẳn so với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nỗi lo sợ của nhà quản lý

Còn nhớ, ngay sau khi có những đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của hai cơ quan nói trên, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhận định rằng: "Bao giờ chúng ta cũng muốn người lao động được hưởng lương cao nhưng nếu cao quá, sức hút đầu tư sẽ giảm đi. Nước ta có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, trong đó có lợi thế là lao động Việt Nam cần cù, sáng tạo và lương thấp…”. Nói như vậy cũng có nghĩa, người lao động sẽ khó mơ đến một ngày nào đó sẽ được hưởng một mức lương lý tưởng, bởi vấn đề lợi ích quốc gia cần phải được đặt lên trên hết.

Tuy nhiên, chưa vội bàn đến yếu tố được gọi là "lương cao”, chỉ đặt vấn đề hiện nay rằng, "lương có đủ sống?”, cũng cần phải thấy rằng, chưa khi nào người lao động có thể sống đủ bằng lương.

Với mức lương được đưa ra trong Nghị định 182 của Chính phủ, theo nhận định của giới chuyên gia, mức lương tối thiểu này mới chỉ đáp ứng được 66% mức sống tối thiểu của người lao động ở vùng I, 70,6% mức sống tối thiểu người lao động ở vùng II; 70% mức sống tối thiểu của người lao động ở vùng III và 79% mức sống tối thiểu của người lao động ở vùng IV.

Có người đã từng phải đặt câu hỏi, với việc lương tối thiểu đáp ứng mức sống như vậy, thì những phần trăm còn lại người lao động phải sống bằng gì?

Trên thực tế, thời gian qua, dư luận đã phải chứng kiến một thực tế dường như đã thành quy luật, đó là, lương chưa tăng thì giá cả đã "nhanh chân” tăng trước. Bởi thế nên mới có tình trạng, nhiều người lao động thậm chí còn không muốn đón nhận thông tin tăng lương. Vậy nên, quay trở lại với "nỗi lo” của nhà quản lý ở trên, lo khi lương tăng… quá cao thì khó thu hút được đầu tư, phải chăng nhà làm quản lý đã lo quá xa (?). Vì đã khi nào, lương tối thiểu ở Việt Nam được cho là "cao”, hay năm này qua năm khác, vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu sống của người lao động?

Cũng cần phải lưu ý thêm rằng, theo dự tính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức sống tối thiểu năm 2014 tại vùng I phải trên 4,1 triệu đồng/tháng, vùng II trên 3,4 triệu đồng/tháng, vùng III trên 3 triệu đồng/tháng, và vùng IV trên 2,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, kể cả khi tăng lương thì mức lương tối thiểu mới cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động…

Theo Báo Đại đoàn kết