EU tăng bảo trợ xã hội cho lao động thời vụ nước ngoài

22/11/2013 08:44 AM


Nghị viện châu Âu (EP) và đại diện 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/11 đã nhất trí thông qua biện pháp bảo trợ xã hội cho người lao động thời vụ nước ngoài tới châu Âu làm việc.


Theo đó, người lao động thời vụ đến từ một nước thứ ba sẽ được hưởng các quyền lợi như công dân châu Âu về độ tuổi tối thiểu được nhận vào làm việc, chế độ đãi ngộ, việc sa thải, giờ giấc làm việc, quyền được hưởng các kỳ nghỉ, chăm sóc y tế và được đòi hỏi sự an toàn. Ngoài ra, những người này cũng có quyền tham gia công đoàn, hưởng An sinh xã hội, trợ cấp, các dịch vụ xã hội, được đào tạo, nhưng không được hưởng nhà ở xã hội. Theo thỏa thuận, mỗi nước thành viên sẽ đề ra thời hạn tối đa về thời gian cư trú với người lao động thời vụ, có thể từ 5 đến 9 tháng/năm. Người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc đổi nơi làm việc nhưng không được vượt quá thời hạn này. Quy định này sẽ được xem xét tại phiên họp toàn thể Quốc hội châu Âu diễn ra vào đầu năm 2014 và nếu được thông qua, các nước thành viên EU sẽ có hai năm rưỡi để áp dụng quy định mới này. Hiện có khoảng 100.000 người nước ngoài làm lao động thời vụ trong các nước thuộc EU.

Trước đó, ngày 12/11, các vị lãnh đạo EU cũng họp mặt tại Paris, một trong những nội dung là huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ giải quyết vấn đề thất nghiệp của giới trẻ. Thất nghiệp hiện được xem là thách thức lớn nhất đối với EU. Thống kê của EC công bố tháng 9 vừa qua cho thấy tại các quốc gia EU, có tới 5,6 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn khối là 23,5%. Đức là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất (7,7%), tỷ lệ này ở Pháp là gần 25%, trong khi Hy Lạp và Tây Ban Nha giữ mức cao kỷ lục trên 56%. Các nhà lãnh đạo EU nhất trí tiếp tục các biện pháp đã được triển khai từ 6 tháng trước theo chương trình có tên gọi "đảm bảo việc làm cho thanh niên", đồng thời khẳng định quyết tâm nhằm đạt được các kết quả cụ thể trong hai năm tới.

Mục tiêu là không một thanh niên nào dưới 24 tuổi phải chịu cảnh không có việc làm và không được học nghề trong 4 tháng liền. Để thực hiện chương trình đó, các nước EU đã dự trù khoản tiền 45 tỷ euro được huy động từ các nguồn khác nhau, trong đó 6 tỷ euro là đóng góp của các quốc gia trong hai năm 2014-2015. Ngoài ra, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Quỹ Xã hội châu Âu sẽ cấp các khoản vay tương ứng là 18 tỷ euro và 21 tỷ euro trong giai đoạn 2013-2015. Thanh niên các quốc gia thuộc các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Pháp, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha... sẽ được hỗ trợ để học nghề và tìm việc làm. Hội nghị việc làm cho thanh niên lần thứ ba dự kiến sẽ được tổ chức tại Italy hoặc Hy Lạp.

Theo TTXVN/Vietnamplus, VNN