Quốc hội cho ý kiến thông qua Luật Việc làm

19/11/2013 09:16 AM


Nằm trong chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII, sáng ngày 16/11 các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến thông qua Luật Việc làm. Trước khi cho ý kiến thông qua Luật Việc làm, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật việc làm.


Những chính sách mới về việc làm, BHTN sẽ hỗ trợ tốt hơn cho người lao động

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu trong phiên thảo luận chiều ngày 21/10/2013, dự thảo Luật Việc làm đã được chỉnh lý lại các nội dung liên quan đến việc tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm (Chương V); hỗ trợ tạo việc làm (chương II); đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia (Chương IV)…

Về chính sách BHTN (Chương VI), các nội dung liên quan đến tổ chức chi trả, mức chi trả, mở rộng đối tượng tham gia, quy định xử phạt đã được tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều ngày 21/10/2013.

Cụ thể về vấn đề chi trả trợ cấp thất nghiệp, do quá trình thảo luận còn ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu về cơ quan thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp. Trên cơ sở ý kiến các đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 3 Điều 46 quy định giao cho Tổ chức BHXH tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chi trả chế độ BHTN cho người lao động.

Về ý kiến đề nghị bỏ Mục 2, quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; đề nghị chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và đầu tư vào các trường nghề sẽ phù hợp hơn.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất kinh doanh và không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động thì mới được hỗ trợ kinh phí từ nguồn quỹ BHTN để thực hiện nhiệm vụ này nhằm mục tiêu phòng ngừa và hạn chế tình trạng thất nghiệp. Trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp sẽ không được hỗ trợ. Đồng thời, việc hỗ trợ kinh phí từ quỹ BHTNcho đào tạo nghề của doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, nên không thểsử dụng nguồn này chuyển sang hỗ trợ cho cơ sở dạy nghề. Do vậy, Uỷ ban thường vụ đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo.

Để bảo đảm quyền lợi tham gia BHTN của đối tượng hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 3 - 12 tháng và phù hợp với tính chất không ổn định của nhóm lao động này, dự thảo Luật quy định nguyên tắc “cộng dồn” các khoảng thời gian đóng BHTN (liên tục hoặc không liên tục) để xét hưởng BHTN (tại khoản 1 Điều 45). Trên cơ sở đó, khoản 2 Điều 49 của dự thảo Luật quy định đối tượng lao động này được hưởng chế độ BHTN khi đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; khác với đối tượng lao động giao kết hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng) được hưởng BHTN khi đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng. Để khuyến khích nhóm lao động này tham gia chính sách BHTN, ngoài bản thân người lao động đóng góp, Nhà nước và người sử dụng lao động sẽ hỗ trợ một tỷ lệ tương ứng để họ được hưởng đầy đủ chính sách BHTN như nhóm lao động chính thức.

Về mức hưởng BHTN, một số đại biểu đề nghị không nên quy định quá 05 lần mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức (Điều 50), vì đã quy định mức đóng tối đa là 20 tháng lương cơ sở  (Điều 58), như vậy sẽ không phù hợp với nguyên tắc đóng hưởng. Tuy nhiên Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, BHTN là chính sách bảo hiểm xã hội ngắn hạn, có tính chia sẻ cao, do vậy việc xác định mức tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp là cần thiết, nhằm bảo đảm cân đối quỹ, phù hợp với tính chất trợ cấp thất nghiệp là  bù đắp một phần thu nhập để người lao động bị thất nghiệp có được mức sống tối thiểu hoặc trung bình, các nước cũng quy định mức tối đa tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi đóng - hưởng cho người lao động và chia sẻ giữa những người tham gia BHTN.

Về quy định việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện BHTN, tiếp thu ý kiến đại biểu, căn cứ vào hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 Luật việc làm và Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, đối với các vi phạm hình sự sẽ xử lý theo Bộ luật hình sự.

Với đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Việc làm, tỷ lệ tán thành đạt 84,34%. Luật Việc làm, gồm 07 chương, 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

Nguồn TC BHXH