Nợ đọng bảo hiểm xã hội: Người lao động thiệt thòi

14/11/2013 02:12 AM


Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) là câu chuyện không mới, đã kéo dài suốt một thời gian dài song đến nay vẫn là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Và nếu không có cách giải quyết triệt để thực trạng này, người lao động sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất.


Người lao động luôn bị thiệt hại khi năng lực quản lý việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH bị vi phạm Ảnh: Thăng Bình

Dai dẳng nợ đọng BHXH

Trốn đóng BHXH đã trở thành vấn nạn đối với người lao động ở các doanh nghiệp (DN) tư nhân và đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện số tiền nợ BHXH bắt buộc trên cả nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đến hết quý III-2013, trong DN Nhà nước là 1.230 tỷ đồng, con số nợ đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài là 1.315 tỷ đồng và DN ngoài quốc doanh là 4.468 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, nợ đọng BHXH kéo dài, dai dẳng ở hầu khắp các địa phương trên toàn quốc và thực trạng này đang ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội khi mà, hàng chục ngàn người lao động đang có nguy cơ mất trắng quyền lợi bởi vấn nạn này. Hà Nội và TP. HCM là hai địa phương nằm trong danh sách có số nợ đọng bảo hiểm thuộc top đầu. Tại Hà Nội, theo thống kê của BHXH TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 9-2013, TP này có trên 6.165 đơn vị, DN nợ đọng BHXH với số tiền nợ lên tới 1.297 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2013 con số này sẽ là 1.500 tỷ đồng. Trong đó, số DN trốn BHXH hàng chục tỉ đồng, kéo dài nhiều năm và chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Không khá hơn Hà Nội, TP. HCM còn được tiếng là địa phương đi đầu trong công tác khởi kiện các DN nợ đọng BHXH. Chỉ tính riêng năm 2012, gần 600 DN tại TP.HCM bị khởi kiện ra tòa vì nợ BHXH, con số này chiếm hơn 80% số DN trong cả nước bị khởi kiện vì trây ỳ, nợ BHXH.

Việc nợ đọng BHXH đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động (NLĐ), nhất là khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số NLĐ đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí, khiến cuộc sống của họ luôn bấp bênh trước những áp lực của cuộc sống. Cùng với tình trạng trốn đóng BHXH, một vấn đề nan giải khác cũng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ đang bị các DN lợi dụng, đó là tình trạng DN lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH.

Khó không phải ở giải pháp…

Một trong những lý do khiến vấn nạn nợ đọng BHXH vẫn tồn tại kéo dài dai dẳng với xu hướng ngày càng phức tạp hơn, đó là chế tài xử phạt đối tượng nợ đọng BHXH chưa đủ sức răn đe. Đã vậy, mức lãi suất chậm đóng BHXH, BHYT thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận DN cố tình nợ BHXH chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, hiện số tiền BHXH mà DN phải đóng được tính trên mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động ký giữa DN và NLĐ. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng, DN đều thỏa thuận với NLĐ sẽ hạ mức tiền lương trong hợp đồng xuống mức tối thiểu (chỉ cao hơn khoảng 10% so với lương tối thiểu để tránh vi phạm Bộ luật Lao động) và bù thu nhập cho nhân công bằng các loại phụ cấp khác như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp xăng xe... Rõ ràng trong chính sách, quy định vẫn còn nhiều kẽ hở để các DN dễ dàng lách luật.

Theo các chuyên gia, một trong những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn việc trây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT đó là phải sớm sửa đổi Luật BHXH. Theo đó, làm sao để tính mức đóng BHXH bắt buộc của DN dựa trên tổng mức chi trả của DN cho mỗi lao động, thay vì chỉ dựa vào mức lương trên hợp đồng. Như vậy, chi phí BHXH bắt buộc phải được tính trên tổng mức thu nhập thay vì trên mức tiền lương của hợp đồng, như vậy, DN sẽ "hết cửa” để lách luật. Rõ ràng, không phải vấn nạn nợ đọng BHXH đã hết "phương cứu chữa”. Song, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ thực trạng nợ đọng BHXH vẫn tồn tại dai dẳng thời gian qua không phải là vì không tìm ra được giải pháp mà là các cơ quan quản lý có muốn làm quyết liệt hay không?

Theo Báo Đại đoàn kết