Sẽ không còn xuất khẩu lao động phổ thông

13/11/2013 08:34 AM


Cơ quan quản lý thì chạy theo thành tích, vụ việc; DN xuất khẩu thì chạy theo lợi nhuận, còn người lao động thì chạy theo những toan tính của riêng mình. Nếu không thay đổi và sớm khắc phục thực trạng này thì hoạt động xuất khẩu lao động sẽ ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với lao động phổ thông.


Lo với mục tiêu XKLĐ đề ra (80.000 lao động) trong năm 2013, cả nước vẫn còn thiếu tới gần 10 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Để đảm bảo cho thị trường xuất khẩu lao động phát triển bền vững thay vì chạy theo số lượng và tập trung vào các thị trường truyền thống, đã đến lúc phải tập trung vào chất lượng, hướng tới các thị trường mới.

Còn đó bài học từ thị trường Hàn Quốc

Một tin vui, sau 2 tháng quyết định loại VN ra khỏi danh sách tuyển dụng lao động nước ngoài năm 2013, từ tháng 10/2013, thị trường Hàn Quốc chính thức mở cửa tuyển dụng lao động VN trở lại làm việc. Hi vọng với bản cam kết mới giữa hai nước và Nghị định 95 về quy định mới trong việc xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc sẽ mang lai nhiều điểm tích cực, mở ra một con đường mới cho người lao động VN muốn xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung.

Tuy nhiên, dù là tin vui, nhưng nó là một bài học rất lớn đối với công tác quản lý xuất khẩu lao động. Bởi sau khi thị trường Hàn Quốc đóng cửa, thị trường xuất khẩu lao động lập tức gặp khó khăn. Theo số liệu thống kê, trong tháng 10, cả nước có 7.496 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đưa tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong mười tháng lên 70.253 người. So với mục tiêu đề ra (80.000 lao động) trong năm 2013, vẫn còn thiếu tới gần 10 nghìn người. Nếu loại bỏ lao động VN sang làm việc tại Lào (4.549 người) và Campuchia (3.962 người) thì  sẽ thấp hơn chỉ tiêu khoảng ¼.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản khiến cho mục tiêu xuất khẩu lao động không đạt đó là chúng ta chỉ tập trung vào số lượng mà quên chất lượng. Chúng ta mới cung ứng lao động phổ thông, thiếu kỹ năng chứ chưa cung ứng lao động chất lượng cao. Điều này không chỉ khiến cho thu nhập của người lao động thấp mà còn đẩy họ vào cuộc cạnh tranh khốc liêt với các nước trong khu vực. Hệ quả là lao động VN khó cạnh tranh được với lao động Trung Quốc và Indonesia. Bởi vì tỉ lệ bỏ trốn của lao động Trung Quốc và Indonesia thấp hơn VN. Vé máy bay từ Trung Quốc đi Nhật Bản rẻ hơn đi từ VN (200 USD so với 500 USD) nên để tiết kiệm chi phí, đối tác Nhật chỉ muốn tuyển chọn lao động Trung Quốc.

Ngoài ra, vì chay theo chỉ tiêu đặt ra, ăn xổi, chúng ta khó có thể phát triển sang các thị trường khác mà ở đó đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, được đào tạo bài bản. Quan trọng, chúng ta thiếu một chiến lược, hoạch định cụ thể cho hoạt động xuất khẩu lao động.

Rách đâu vá đó?

Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi.

Trở lại câu chuyện của thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, việc nước này mở cửa lại một phần là do những nỗ lực cải thiện của các cơ quan quản lý VN, trong đó có việc ra đời Nghị định 95/2013/NĐ-CP, về việc ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Nhằm siết chặt tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, từ 10/10/2013, sẽ phạt 100 triệu đồng nếu lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; bỏ trốn tại sân bay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc; lôi kéo dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt lao động VN ở lại cư trú bất hợp pháp. Ngoài việc phạt 100 triệu đồng, những lao động này buộc về nước và không được đi làm việc trong 2 năm (nếu bỏ trốn tại nơi cư trú), 5 năm nếu bỏ trốn tại sân bay và dụ dỗ người khác ở lại Hàn Quốc trái quy định. Nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng (từ ngày 10/10/2013 đến ngày 10/1/2014), lao động đã bỏ trốn sẽ được miễn xử phạt hành chính.

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định rõ: DN tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng nếu có hành vi không báo cáo danh sách lao động xuất cảnh với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự VN ở nước ngoài theo quy định hoặc không phối hợp với các cơ quan này trong việc quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên đây chẳng qua cũng là giải pháp tình thế, bởi  nếu như có một trường hợp tương tự ở thị trường khác, chúng ta lại phải có một Nghị định tiếp theo?

Cơ hội ở thị trường mới

Mặc dù, năm 2014 dự báo thị trường XKLĐ còn khó khăn do lao động VN khó cạnh tranh với Trung Quốc, Indonesia tại thị trường Nhật Bản, thị trường Đài Loan đã mở cửa trở lại với lao động Philippines, thị trường truyền thống là Malaysia nhưng rất bấp bênh. Tuy nhiên, theo ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của VN đang dần hé mở. Cụ thể, chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi, tạo nên hi vọng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề điều dưỡng, hộ lý tại các nước phát triển.

Nói một cách khác thì đây phải là hướng đi mà các cơ quan quản lý xuất khẩu lao động cần hướng tới. Bởi theo Quỹ  tiền tệ quốc tế (IMF), thị trường lao động thế giới hiện nay đã tăng gấp 4 lần so với năm 1980 và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào 2050. Ở các nước phát triển, giới phân tích thị trường việc làm cho rằng lao động có tay nghề, có kỹ thuật cao vẫn thiếu trầm trọng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền:

Qua thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 doanh nghiệp do vi phạm các quy định về đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Trong đó, một DN bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 6 tháng, một DN khác bị đình chỉ hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc tại Singapore trong thời gian 3 tháng.

Ngoài ra, công tác cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các DN cũng đã được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, thủ tục pháp luật quy định nhằm đảo bảo chỉ các DN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và có khả năng mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Thị trường nào thu nhập cao nhất ?

* Theo thông báo của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về mức lương tối thiểu áp dụng cho NLĐ nước ngoài từ 1/1/2013 đến 31/12/2013, thu nhập trung bình của NLĐ làm việc tại Hàn Quốc ở mức trung bình cao nhất sẽ từ 1.300-1.700 USD/tháng (khoảng 26-35 triệu đồng/tháng), còn phổ biến cũng từ 1.000-1.500 USD/tháng.

* Đài Loan là thị trường tiếp nhận lao động VN lớn nhất trong năm 2012, với khoảng 30.500 người. Lao động VN tham gia thị trường này làm việc trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất chế tạo, cơ khí, may mặc, nông nghiệp, đồ mộc... Lương cơ bản khoảng 8-9 triệu đồng. Đối với lao động tại nhà máy, công trường làm thêm 2 giờ trong ngày bình thường được trả thêm 33% lương mỗi giờ; làm thêm các giờ tiếp theo được trả thêm 66% lương mỗi giờ; làm thêm ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ phép được trả lương gấp 2 lần ngày thường.

* Macau (Trung Quốc) cũng là thị trường thu hút nhiều lao động VN, nhất là lao động có nhu cầu đi làm giúp việc gia đình. Hiện, theo ước tính, có khoảng hơn 10.000 lao động VN đang làm việc hợp pháp tại đây. Lao động VN tại đây được đánh giá là cần cù chịu khó, song  ngôn ngữ cũng như các kỹ năng khác lại kém lao động đến từ Trung Quốc, Philippines, Indonesia. Lao động đi làm giúp việc, được chủ sử dụng chu cấp miễn phí nơi ăn, ở và tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng/tháng.

* Từ quý I/2013, tình hình Libya đã tương đối ổn định và bắt đầu có nhu cầu tiếp nhận lao động VN. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, một số điều kiện của hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại nước này đã thay đổi. Trong đó, mức lương tối thiểu sau khi trừ thuế và các khoản đóng góp khác sẽ là 260 USD/tháng đối với lao động không nghề; 300 USD/tháng đối với lao động bán nghề; 320 USD/tháng đối với lao động lành nghề. Trường hợp NLĐ phải đóng thuế thì mức lương cơ bản trong hợp đồng sẽ phải tăng lên tương ứng.

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp