Đại biểu Quốc hội góp ý 3 vấn đề lớn của BHYT

13/11/2013 06:46 AM


Khi thảo luận Báo cáo giám sát của UBTVQH về BHYT, ngày 8/11, các đại biểu Quốc hội tập trung góp ý 3 vấn đề lớn: Nâng cao chất lượng cơ sở y tế tuyến cơ sở; chống lạm dụng BHYT; tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT.


Báo cáo giám sát của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT (giai đoạn 2009-2012) đánh giá với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.749 USD/người/năm (2012), việc đạt được tỷ lệ gần 70% dân số tham gia BHYT là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trên thế giới nhiều nước có điều kiện kinh tế và thu nhập cao hơn Việt Nam nhưng cũng chưa đạt được tỷ lệ dân số tham gia BHYT như Việt Nam. Các đại biểu QH nhất trí cho rằng chính sách BHYT đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe và giúp cho nhiều người dân không bị rơi vào bẫy nghèo đói khi bị ốm đau, bệnh tật. Đáng chú ý, với tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012), tương đương tăng 9,24 triệu người, bình quân tăng 2,8%/năm đã góp phần cải thiện tình trạng của Quỹ BHYT từ bội chi sang kết dư 13.000 tỷ đồng, đảm bảo chi trả kịp thời chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT.

Song kết quả giám sát của UBTVQH cũng nêu lên tình trạng trình độ y bác sỹ, cơ sở vật chất của y tế tuyến dưới chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đại biểu Nguyễn Minh Phương (TP. Cần Thơ) dẫn chứng: tình trạng khám trái tuyến, vượt tuyến ngày càng tăng từ 3 triệu lượt năm 2010 lên 11,6 triệu lượt năm 2012. Một số bệnh viện phải sử dụng 50-70% quỹ khám, chữa bệnh BHYT để chi trả cho khám trái tuyến, vượt tuyến trong khi không thể kiểm soát được phần chi phí này, khi đó các cơ sở y tế tuyến trên tăng cường và lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao với chi phí lớn. Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng đây là vấn đề Bộ Y tế cần quan tâm hơn, chỉ đạo đầu tư thật tốt cho tuyến cơ sở: “Nếu làm tốt việc khám, điều trị ở tuyến dưới, tạo được lòng tin đối với người dân, người dân sẽ tự nguyện tham gia BHYT nhiều hơn, không cần phải vận động nhiều như hiện nay”.

Giảm lạm dụng, chống bao cấp ngược

Nhìn nhận về tình trạng lạm dụng BHYT, Báo cáo giám sát đã “điểm mặt” những vi phạm phổ biến là lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, kê đơn thuốc ngoài danh mục cho phép, kê khống tiền thuốc, bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/giường bệnh, lập hồ sơ bệnh án khống (như làm giả kết quả xét nghiệm), sử dụng chung xét nghiệm ở một số bệnh viện để thanh toán với quỹ BHYT; có nơi, cán bộ y tế ở bệnh viện sử dụng thẻ BHYT của người thân để làm thủ tục lấy thuốc ở bệnh viện… Nhiều đại biểu đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh BHYT thống nhất trong cả nước và kết nối với nhau từ cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu đến cả tuyến Trung ương. Mỗi người chỉ có một mã thẻ BHYT cho riêng mình để công tác quản lý BHYT được chính xác, đạt hiệu quả cao, hạn chế tiêu cực; đồng thời theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân.

Một vấn đề khác được nhận được nhiều ý kiến của đại biểu là sử dụng số tiền kết dư của Quỹ BHYT. Trên thực tế tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nên Quỹ BHYT kết dư cao còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. Đại biểu Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) chỉ ra do các tỉnh miền núi kết dư lớn do chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và tình trạng chưa công bằng trong khám chữa bệnh giữa các tỉnh miền núi và đồng bằng. Đồng quan điểm, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng 3 năm qua, kết dư Quỹ BHYT hầu hết ở các địa phương khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân không có điều kiện để được hưởng lợi từ các dịch vụ kĩ thuật y tế hiện đại và thuốc đắt tiền do BHYT chi trả.

Các đại biểu đề nghị sau khi cân đối, thực hiện nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, số kết dư này nên chăng đầu tư trở lại cho các tỉnh có kết dư để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, mua sắm phương tiện vận chuyển và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, để người dân được hưởng lợi một cách công bằng, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Đồng thời, các ngành Y tế và LĐTBXH cần cải cách hành chính nhanh hơn nữa trong lĩnh vực của mình, tạo điều kiện tốt nhất để người dân được thụ hưởng quyền lợi trong khám chữa bệnh; sớm bổ sung quy định khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến so với đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu của người dân.

Đảm bảo bền vững nguồn Quỹ BHYT

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng lưu ý đến nội dung được nêu trong kết quả giám sát của UBTVQH về tỷ lệ một số đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT đạt thấp như người lao động trong các doanh nghiệp đạt 54,7% (khu vực tư nhân chỉ đạt 20-30%); học sinh, sinh viên mới đạt tỷ lệ 80% (Nam Định chỉ đạt 30%), đặc biệt các trường tư có tỷ lệ tham gia rất thấp và vẫn còn khoảng 5% trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT; người thuộc hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua BHYT và tăng lên 70% từ tháng 6/2012 nhưng đến cuối năm 2012 chỉ đạt khoảng 25%, có nơi tỷ lệ chỉ đạt từ 2-5% (Hà Nội: 4,7%, Bình Thuận: 2%, Bình Phước: 0,1%)... Đại biểu Hồ Thị Thủy (tỉnh Vĩnh Phúc) phân tích: “Luật BHYT theo hướng quy định việc tham gia bảo BHYT theo hộ gia đình và Nhà nước có cơ chế hỗ trợ khi toàn bộ thành viên trong gia đình tham gia BHYT. Quy định bắt buộc đối với những đối tượng có khả năng tài chính đủ điều kiện để mua BHYT. Luật cũng cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT. Đây chính là vấn đề mấu chốt trong việc thu hút người dân tham gia BHYT".

Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ, thường xuyên các chương trình truyền thông, tuyên truyền về BHYT nói chung và Luật BHYT nói riêng để người dân hiểu và nhận thức đúng lợi ích của việc tham gia đối với bản thân gia đình và cộng đồng, nhất là nhóm lao động phi chính thức, người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Sự vào cuộc và cam kết của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Có cơ chế để người tham gia BHYT được chủ động đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu kể các bệnh viện tư nhân, bệnh viện có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và y đức, ý thức phục vụ người bệnh.

Đồng thời tạo động lực hành lang pháp lý để chính các cơ sở khám, chữa bệnh cũng là đối tượng vận động nhân dân tham gia BHYT tự nguyện. Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị đưa chỉ tiêu dân số tham gia BHYT, tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước để mua BHYT cho người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội thành chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch phát triển KT-XH của cả nước và từng địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) kiến nghị, để đáp ứng được việc mở rộng đối tượng BHYT, đề nghị Chính phủ phân định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành trong việc mở rộng các đối tượng tham gia BHYT chưa đạt kế hoạch theo lộ trình.

Theo Chinhphu.vn