Thuốc bình ổn giá: Khó “lọt” áp thầu, đấu thầu!

05/11/2013 09:40 AM


Sắp hết năm thứ 3 Tp.Hồ Chí Minh thực hiện “Chương trình bình ổn giá thuốc” - chương trình có ý nghĩa thiết thực nhằm cung cấp cho người bệnh thuốc chất lượng và giá hợp lý nhất. Thuốc được sản xuất tại các nhà máy trong nước đạt chuẩn chất lượng Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP - WHO) và giá cả được Sở Tài chính thẩm định khắt khe. Thế nhưng những loại thuốc này khó bề “lọt” qua áp thầu, đấu thầu để cung ứng cho người bệnh diện BHYT sắp tới.


Nhân viên Nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 chọn thuốc theo toa cho bệnh nhân

Chất lượng, giá “mềm”!

Bước ra khỏi phòng khám của Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân Nguyễn Thị H (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, Tp.HCM) vừa đi ra nhà thuốc vừa lập cập mở ví kiểm tiền. “Tháng nào cũng tái khám một lần chú ạ. Hết bộn tiền rồi, chỉ sống nhờ thuốc thôi”, bà H nói. Bị bệnh tim mạch từ 2 năm qua, bà H phải thường xuyên theo dõi điều trị bệnh. Liếc qua toa thuốc bác sĩ cho, chúng tôi thấy có đến 5 loại cả ngoại lẫn nội. Trong đó có loại Amlodipin 5mg và Nifedipin 20mg là thuốc sản xuất trong nước.

Tìm hiểu thì được cô dược sĩ nhà thuốc cho biết đó là 2 loại thuốc nằm trong chương trình bình ổn giá của thành phố với giá chỉ 450 - 600 đồng/viên, trong khi với thuốc ngoại có hoạt chất, hàm lượng tương đương thì có giá vài ngàn đồng/viên…

Dược sĩ Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, bệnh viện đã hưởng ứng thuốc bình ổn giá từ năm 2011 và nhận thấy rất hiệu quả. “Nhiều loại thuốc có chất lượng nhưng giá hợp lý, giảm chi phí cho người bệnh rất nhiều”, dược sĩ Trung cho biết… Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM, một bệnh nhân bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường cho biết, mặc dù đã có BHYT chi trả một phần nhưng mỗi tháng cũng mất gần 3 triệu đồng tiền thuốc mua ngoài. “Mình không mua đủ thuốc như bác sĩ kê thì không hết bệnh, mà mua thì tiền nào chịu xiết”, vị bệnh nhân cho biết. Trong khi thuốc bình ổn giá không nằm trong diện thanh toán BHYT, nên phải ra ngoài mua.

Bên cạnh đó, hệ thống nhà thuốc bán lẻ ngoài bệnh viện cũng hưởng ứng bán thuốc bình ổn giá và chịu khó tư vấn cho người bệnh. Cầm toa thuốc trên tay, chị Trần Ngọc A (ngụ quận 10, TPHCM) tạt vào một nhà thuốc có treo băng rôn “điểm bán thuốc bình ổn giá năm 2013” trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 Tp.HCM. Thấy toa thuốc gồm 3 loại chữa bệnh dạ dày nhưng hết 2 loại thuốc ngoại của Ấn Độ và Hàn Quốc, cô bán thuốc bảo: “Mấy thuốc này trong nước cũng có, giá rẻ hơn nhiều. Chẳng hạn thuốc Domperidon 10mg chỉ 360 đồng/viên, hay Ranitidin chỉ 551 đồng/viên. Đây là thuốc bình ổn giá, chất lượng ngang bằng thuốc ngoại”. Nghe vậy chị A gật đầu. Tính ra thay vì phải mất gần 500.000 đồng cho hóa đơn của toa thuốc 3 loại, thì chị A mất chưa tới 200.000 đồng.

Dược sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai- quản lý hệ thống nhà thuốc ECO Pharmacy, cho biết nếu so với thuốc cùng loại của các hãng nhập khẩu thì thuốc bình ổn giá “mềm” hơn nhiều, trong khi hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, thậm chí hiệu quả điều trị ngang bằng nhau.

Cần thanh toán BHYT

Tham gia Chương trình bình ổn giá thuốc 2 năm qua, Công ty Roussel Việt Nam đã cung ứng thuốc bình ổn giá ra thị trường với doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Tuy chưa phải là nhiều so với năng lực của công ty, nhưng DS Lê Việt Hùng- Giám đốc công ty, cho rằng đã phần nào tiếp cận, phục vụ đến tận người dân, người bệnh với thuốc tốt nhưng giá hợp lý. Hiện Công ty Roussel Việt Nam được phân công cung ứng thuốc bình ổn giá cho các quận 10, Tân Phú, Nhà Bè, Cần Giờ.

Còn DS Nguyễn Thị Châu Oanh- Phó Tổng Giám Công ty cổ phần Dược phẩm 3 Tháng 2, cho biết các mặt hàng thuốc tham gia bình ổn giá vẫn sản xuất và phân phối, khi cần là có ngay. Nhưng DS Oanh băn khoăn là số lượng bán không đáng kể, trong khi công ty cam kết giữ giá ổn định ít nhất 1 năm.

Theo Sở Y tế Tp.HCM, thuốc bình ổn giá mới chỉ tập trung phục vụ điều trị ngoại trú, trong khi quan trọng là gần 70% bệnh nhân sử dụng thuốc BHYT thì hầu hết thuốc bình ổn giá chưa vô được!? Một lãnh đạo công ty dược trong nước thẳng thắn nói, với chính sách đấu thầu thuốc vô bệnh viện hiện nay theo Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 01) hướng dẫn đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế là “ngoài quy định thuốc sản xuất đạt chuẩn, phải chọn thuốc có giá đánh giá thấp nhất thì thuốc bình ổn giá xứng đáng ưu tiên”.

Thực tế, trước khi tham gia chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp dược đã được lãnh đạo UBND Tp.HCM và Sở Y tế khảo sát về quy trình, công nghệ, tiêu chuẩn sản xuất. Đồng thời giá bình ổn phải được hội đồng giá của Sở Tài chính thẩm định khắt khe.

Khảo sát một số nhà máy dược mới đây, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận mặt bằng chung đều đạt chuẩn sản xuất thuốc tốt và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nhiều mặt hàng thuốc bình ổn giá để bớt chi phí cho bệnh nhân nghèo. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, cũng đánh giá ngoài chất lượng đảm bảo, thuốc bình ổn giá thấp hơn ít nhất 5% - 10% so với thuốc cùng loại (biệt dược) trên thị trường. Mặt khác, số lượng thuốc bình ổn chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng.

Tuy nhiên, để thuốc bình ổn giá đến tay người bệnh, nhiều ý kiến cho rằng nên ưu tiên ngay chính trong áp thầu, đấu thầu thuốc vô bệnh viện, nhất là cho BHYT. Có như vậy mới vừa giảm chi phí thuốc cho người bệnh, vừa hạn chế tình trạng “móc túi” ngân sách qua việc cho trúng thầu thuốc giá cao.

Triển khai từ tháng 4/2011 với 4 công ty dược cùng 45 mặt hàng của 10 nhóm thuốc thiết yếu, đến nay Chương trình Bình ổn giá thuốc đã có 392 mặt hàng của 21 nhóm thuốc với 80 hoạt chất của 13 công ty dược trong nước tham gia.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng