Nghèo thật, nghèo giả

05/11/2013 07:55 AM


Làm sao để kinh tế phát triển, thoát khỏi tình trạng khó khăn trì trệ hiện nay, vấn đề đã được các đại biểu QH trăn trở . Nhiều lĩnh vực đã được đưa ra, trao đi, đổi lại, trong đó có việc xoá đói, giảm nghèo. Đất nước phát triển, giàu lên thì đương nhiên sẽ ít đi người nghèo. Cũng đáng mừng với con số báo cáo, tỉ lệ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 còn 9,6% cuối năm 2012, khoảng 7% năm 2013...


Tuy nhiên, với nội dung người nghèo, không ít các đại biểu cùng người dân đã rất băn khoăn. Bởi trên thực tế hiện không ít những nơi, những hộ muốn được khoác cái áo hộ nghèo, nhiều gia đình đòi được là hộ nghèo. Việc bình xét hộ nghèo cứ như bình xét khen thưởng. Đây đúng là nghèo giả, như đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) trăn trở.  Bên cạnh đó,  việc này còn làm đảo lộn giá trị đạo đức như con cái tách đưa bố mẹ già  ra hộ riêng, cho ở nơi khổ sở để có tiêu chuẩn ...nghèo.

Vậy nhưng, có một đối tượng đúng là nghèo thật. Đó là bà con các dân tộc thiểu số, ở vùng núi. Và khi tỉ lệ nghèo nói chung thì giảm, thì tỉ lệ nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số so với tỉ lệ nghèo nói chung mỗi năm lại tăng lên. Năm 1993 chỉ chiếm 20%, năm 1998 tăng lên 29%, năm 2010, đã chiếm 63%.

Rõ ràng cần phải đánh giá, chỉnh sửa, thay đổi lại chính sách vì người nghèo, nhất là với đồng bào các dân tộc miền núi. Cần xem xét từ điều kiện, hoàn cảnh, phương pháp...giúp bà con nghèo, không thể đánh đồng chung chung. Đất nước phát triển, giàu lên cũng dẫn đến việc phân hoá giàu nghèo mỗi ngày một tăng. Vịệc chú trong đến những người yếu thế là rất cần thiết, nhất là người nghèo. Ngay trong người nghèo, cũng cần quan tâm thực sự đến những người nghèo thật, những người cần sự cứu cánh thật để thoát nghèo.

Theo Báo Đại đoàn kết