Nợ Bảo hiểm xã hội: Dễ kiện nhưng… khó đòi

01/11/2013 01:29 AM


Nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) vốn là câu chuyện cũ, nhưng với người lao động (NLĐ) thì luôn "nóng” vì ảnh hưởng tới cuộc sống. Trước sự chây ỳ, trốn đóng BHXH ngày càng gia tăng, cơ quan BHXH nhiều tỉnh thành buộc phải chọn cách kiện các con nợ ra tòa, nhưng ngay cả khi đã thắng kiện vẫn khó thu hồi nợ BHXH của doanh nghiệp.


Phiên tòa xét xử một DN nợ BHXH ở Đà Nẵng

BHXH… "bó tay” trước nợ xấu

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 6 -2013 các doanh nghiệp còn nợ đọng gần 6.000 tỷ đồng, tính lũy kế đến hết tháng 2-2013, các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nợ tiền đóng BHXH, BHYT lên tới gần 10.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỷ đồng, nợ BHYT hơn 2.600 tỷ đồng.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh …vẫn là những thành phố đứng tốp đầu về nợ đọng BHXH. Thống kê cơ quan BHXH TP Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 9-2013, có 6.165 đơn vị, doanh nghiệp ở Hà Nội nợ 1.297 tỷ đồng bảo hiểm xã hội; trong đó, có 33 đơn vị, doanh nghiệp liệt vào diện nợ xấu (nợ trên 12 tháng) với tổng số tiền trên 74 tỷ đồng. Trước thực tế này, cơ quan BHXH Hà Nội đã khởi kiện 152 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH đối với người lao động, tính từ năm 2012 đến tháng 8 năm 2013. Mặc dù tích cực đưa các DN ra tòa nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, song số nợ mà ngành BHXH thu về quá khiêm tốn (69 tỷ đồng).

Tương tự, tại TP.Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong công tác khởi kiện các DN nợ đọng BHXH. Trong năm 2012, gần 600 doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị kiện ra tòa vì nợ BHXH, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong cả nước bị khởi kiện. Thế nhưng, sau khi bản án của tòa có hiệu lực, tỷ lệ đòi được nợ chỉ đạt gần 30% so với số nợ phải thu. 7 tháng đầu năm 2013, BHXH TP Hồ Chí Minh tiếp tục khởi kiện 397 doanh nghiệp ra tòa với tổng số nợ khoảng 107 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Đỗ Quang Khánh , mặc dù đã nhiều lần tiến hành thanh tra, kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi người lao động nhưng không phải lúc nào cũng đòi được nợ: "Thậm chí bản án có hiệu lực rồi nhưng thi hành được án cũng mệt và nhiều chuyện lắm. Bởi nhiều khi chủ doanh nghiệp biến mất hoặc bỏ trốn thì không cách nào đòi được”.

Cần xử lý hình sự

Từ ngày 10-10 theo quy định tại Nghị định  95/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động,  BHXH với hành vi chậm đóng BHXH sẽ bị phạt 75 triệu đồng. Mặc dù mức phạt này đã tăng hơn so với mức cũ, song theo đánh giá của chuyên gia mức phạt này không đủ sức răn đe nhất là với những DN mà số nợ lên tới vài chục tỷ.

Trên thực tế ở nhiều địa phương, mặc dù đã áp dụng biện pháp quyết liệt là khởi kiện các doanh nghiệp có số nợ lớn ra tòa, nhưng tỉ lệ nợ vẫn tăng lên. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã  có những quy định khắt khe hơn đối với hành vi nợ bảo hiểm. Cụ thể, Khoản 3, Điều 119 sửa đổi quy định phạt chậm đóng bằng 3 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH hoặc 2 lần lãi suất liên ngân hàng. Hay như tại Khoản 7 Điều 21 bổ sung quyền của tổ chức BHXH trong việc khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH. Dù vậy, với tình trạng "nhờn luật” như hiện nay của các doanh nghiệp thì giải pháp trên vẫn chưa đủ. Theo  Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam Nguyễn Hùng Cường, hiện có hàng chục ngàn lao động bị nợ BHXH không thể chốt sổ BHXH vì doanh nghiệp không rõ tung tích. Nếu không tìm cách tháo gỡ, người lao động vô cùng thiệt thòi. Chính vì vậy, Luật BHXH cần quy định cơ quan BHXH có quyền thanh tra, xử phạt vi phạm BHXH với đơn vị sử dụng lao động; tội danh trốn đóng BHXH phải xử lý theo Bộ luật Hình sự.

Theo Đại Đoàn kết