Cân đối quỹ bảo hiểm xã hội Đóng 1 hưởng 3 thì mất cân đối quỹ là không thể tránh khỏi

20/02/2014 09:19 AM


Theo THỨ TRƯỞNG (TT) BỘ LĐ, TB VÀ XÃ HỘI PHẠM MINH HUÂN, để bảo đảm được tính cân đối của quỹ bảo hiểm xã hội nhất thiết phải có sự điều chỉnh mức đóng cho phù hợp. Bởi nếu không giải quyết vấn đề này ngay từ bây giờ thì rất khó có thể tạo ra được bước đột phá trong 10, 20 năm sau, và nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm như dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là điều không thể tránh khỏi.


Thứ trưởng Phạm Minh Huân

- Theo Ông đâu là những vấn đề bất cập cần phải sửa đổi ngay trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành?

TT Phạm Minh Huân: chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, trong giai đoạn vừa qua, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, nước ta đã thực hiện một số cải cách, đổi mới và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất hiện nay của bảo hiểm xã hội chính là sự mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. Quỹ bảo hiểm xã hội là tiền đóng góp của người lao động để bảo đảm an sinh khi về già. Nhưng có một thực tế là hiện nay đang tồn tại tình trạng chưa tương xứng giữa mức đóng và mức hưởng.

Thứ hai là bảo toàn và sinh lời quỹ bảo hiểm xã hội. Thực tế hiện nay hoạt động thu tiền bảo hiểm còn nhiều khó khăn do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội và chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội đang có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Trong khi hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội hiệu quả chưa cao, lãi thu được từ hoạt động đầu tư chưa bảo tồn được giá trị của quỹ, lãi suất luôn ở dưới chỉ số tăng giá tiêu dùng. Nguyên nhân ở đây là do hình thức đầu tư được quy định trong luật chưa đa dạng, đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư của cơ quan bảo hiểm xã hội chưa chuyên nghiệp.

Thứ ba là chi phí quản lý của tổ chức bảo hiểm xã hội chưa phù hợp. Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định tổ chức bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp nhưng lại quy định tổ chức bảo hiểm xã hội bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ tư là quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và hưởng thụ các chế độ bảo hiểm xã hội chưa thuận tiện, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thống kê, điều hành, giám sát bảo hiểm xã hội còn hạn chế, chưa có sự liên thông trong hệ thống, từ đó dẫn đến những khó khăn trong đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội.

- Ông vừa nói đến vấn đề mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa Ông?


Nguồn: qtv.vn

TT Phạm Minh Huân: theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; theo đó tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%. Trong khi các nước khác trên thế giới tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động chỉ ở khoảng 40 - 45%, thì nước ta tỷ lệ này là 75%. Nói cách khác, đóng 1 mà hưởng 3 thì việc mất cân đối quỹ là điều không thể tránh khỏi.

Mức hưởng lương hưu cao là rất tốt, nhưng câu hỏi đặt ra là quá cao thì nguồn ở đâu để bù? Đó là chưa kể đến mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội còn khoảng cách lớn với mức tiền lương, tiền công thực tế của người lao động; cùng với đó là tính tuân thủ các quy định về đóng bảo hiểm xã hội còn thấp, tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội. Đây là vấn đề thực tế mà chúng ta cần phải tính ngay từ bây giờ, như vậy mới tạo được đột phá trong tương lai. Bởi theo như tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034 thì phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.

- Vậy những kỳ vọng của Ông trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã xội (sửa đổi) là gì, thưa Ông?

TT Phạm Minh Huân: mấu chốt nhất hiện nay là tình trạng mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng bảo hiểm xã hội. Để bảo đảm được tính cân đối của quỹ bảo hiểm xã hội nhất thiết phải có sự điều chỉnh mức đóng cho phù hợp. Bởi nếu không giải quyết vấn đề này ngay từ bây giờ thì rất khó có thể tạo ra được bước đột phá trong 10, 20 năm sau, và nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm như dự báo của ILO là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, tôi rất hy vọng có thêm hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung. Tuy đây là vấn đề còn mới so với nước ta, nhưng ở nhiều nước trên thế giới đã có bảo hiểm hưu trí bổ sung bên cạnh bảo hiểm thương mại. Có thể nói đây là một kênh ngoài hưu trí bắt buộc, vận động người lao động tham gia đóng góp và trên cơ sở đóng góp sẽ hình thành tài khoản cá nhân. Đây là một hình thức góp phần nâng cao tổng thu nhập và tiền lương hưu cho người lao động, góp phần cải thiện đời sống.

- Xin cảm ơn Ông!

Theo Đại biểu nhân dân