Xuất khẩu lao động: Những tín hiệu vui

17/02/2014 08:48 AM


Năm 2013, cả nước có hơn 88.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần vào ổn định kinh tế - xã hội cũng như xóa đói giảm nghèo. Việc Hàn Quốc mở cửa trở lại đối với lao động nước ta trong những ngày đầu tiên của năm 2014 và nhiều thị trường khác cũng bắt đầu tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam sang làm việc khiến bức tranh xuất khẩu lao động có nhiều tín hiệu tích cực.


Lao động Việt Nam đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

Sau nhiều nỗ lực, thị trường Hàn Quốc đã được nối lại bằng bản ghi nhớ thời hạn chỉ có một năm giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, mang lại cơ hội đi làm việc cho khoảng 16.000 lao động. Theo bản ghi nhớ, 3 đối tượng được phía Hàn Quốc cho phép giới thiệu với chủ sử dụng lao động là lao động đã thi đỗ tại các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12-2011, tháng 5-2012, tháng 8-2012; lao động huyện nghèo sang Hàn Quốc làm nông nghiệp đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tháng 8-2012 và lao động về nước đúng hạn. Ngay sau khi ký biên bản ghi nhớ này, Bộ LĐ-TB&XH đã gửi công văn hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi Hàn Quốc về các địa phương. Các cơ quan chức năng sẽ hoàn tất hồ sơ trước tháng 2 để sớm giới thiệu lao động cho chủ sử dụng Hàn Quốc. Thời gian tạm dừng đưa lao động sang Hàn Quốc đã lâu, vì vậy để hỗ trợ người lao động ôn luyện lại tiếng Hàn, Bộ LĐ-TB&XH đang lên phương án giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước mở các lớp dạy bổ túc tiếng Hàn và các kiến thức cần thiết khác cho người lao động. Riêng hơn 2.700 lao động thuộc huyện nghèo đã đăng ký thi tiếng Hàn để đi Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hỗ trợ để học lại tiếng Hàn theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài thị trường Hàn Quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục hướng đến những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc. Tuy mới được triển khai trong năm 2013 nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động tại các nước phát triển. Trong năm 2013, dự án thí điểm đưa điều dưỡng viên sang Đức đã nhận được sự phản hồi rất tích cực từ phía bạn, vì vậy, năm 2014 dự án này sẽ tiếp tục được triển khai. Tại Nhật Bản, thực thi hiệp định đối tác kinh tế đã triển khai hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật cho điều dưỡng viên Việt Nam đến năm thứ hai và phấn đấu trong năm 2014 đạt được 10.000 người đi tu nghiệp sinh. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục đang xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa hai nước để hình thành văn bản pháp lý cao nhất, khẳng định cam kết của hai chính phủ về việc tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.

Tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường chủ lực cung ứng lao động cho bạn với khoảng hơn 100.000 lao động đang làm việc, trong đó chủ yếu là lao động ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng. Đây là thị trường cho thu nhập cao, trung bình từ 500 đến 700 USD/tháng, vì vậy sẽ tiếp tục là điểm đến chủ lực trong công tác xuất khẩu lao động năm 2014. Theo dự báo của ngành chức năng, năm 2013 đã có 43.000 lao động đi làm việc tại Đài Loan, trong năm 2014, nước ta sẽ giữ vững và vượt chỉ tiêu này.

Năm 2014 được dự báo là số lượng lao động thất nghiệp trong nước tăng cao, xuất khẩu lao động tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong giải quyết việc làm. Các ngành chức năng đã đưa ra mục tiêu có khoảng 85.000 đến 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay. Những tín hiệu đáng mừng trên thị trường xuất khẩu lao động với sự mở cửa trở lại của thị trường Hàn Quốc và sự phát triển của các thị trường mới hứa hẹn một năm đầy triển vọng cho công tác xuất khẩu lao động.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải: Năm 2014, dù không tránh khỏi những khó khăn nhưng thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi. Đó là, kinh tế khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu phục hồi đã mở ra hy vọng cho lao động ở ngành nghề xây dựng và dịch vụ sang UAE, Qatar… Mỗi quốc gia ở Trung Đông một năm có thể cần đến 100.000 lao động, trong khi đó nhân công xây dựng ở Việt Nam rất lớn, vì vậy mỗi năm có thể đưa 10.000 lao động sang làm việc tại thị trường này và phía bạn cũng sẵn sàng tiếp nhận.

Theo Báo Hà Nội mới